"Những gì tôi trải qua giống như giấc mơ. 'Elon Musk' kết bạn với tôi trên Instagram ngày 17/7/2023. Tôi hâm mộ cuồng nhiệt Musk sau khi đọc tiểu sử ông ấy, nhưng vẫn cảm thấy hoài nghi khi được kết bạn", Jeong Ji-sun, người bị lừa tiền, nói trên truyền hình hồi đầu tuần.
Nạn nhân đồng ý chia sẻ câu chuyện với điều kiện được sử dụng tên giả.
Sự hoài nghi của Jeong không kéo dài. "Người xưng là Musk gửi cho tôi ảnh chụp căn cước và ảnh ông ấy đang làm việc. Người này nói về con cái, cách ông ấy đi làm bằng trực thăng, cũng như cho biết mình thường liên lạc ngẫu nhiên với người hâm mộ", Jeong nhớ lại.
Khi được hỏi về trải nghiệm của Musk trong cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hồi tháng 4/2023, kẻ lừa đảo nói hai người đã thảo luận về "thiết lập các siêu nhà máy ở Seoul và Jeju".
"Ông ta còn nói yêu tôi khi gọi video", Jeong kể, khẳng định cô hoàn toàn tin người này thật sự là Elon Musk.
Kẻ lừa đảo đưa cho nạn nhân số tài khoản ngân hàng tại Hàn Quốc và khuyến khích cô chuyển tiền đầu tư vì "vui mừng khi thấy người hâm mộ trở nên giàu có". Jeong đã chuyển tổng cộng 70 triệu won (gần 51.000 USD) vào tài khoản trước khi kẻ lừa đảo biến mất.
Đây không phải lần đầu hình thức lừa đảo deepfake lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng như Elon Musk xảy ra. Tuy nhiên, truyền thông Hàn Quốc đánh giá luật của nước này thiếu những điều khoản để ngăn sự việc tái diễn.
Phần lớn nạn nhân bị lừa tình đều chuyển tiền qua thẻ tín dụng vào website giả mạo do tội phạm lập ra, khiến giới chức không có cơ sở đình chỉ giao dịch và ngăn việc rút tiền. Nghiên cứu của Đại học Seoul cho thấy 280 vụ lừa tình được phát hiện trong giai đoạn tháng 1-6/2022, trong đó 71,4% nạn nhân là phụ nữ.
Điệp Anh (theo KBS)