Ngày 19/4, ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, cho VnExpress biết Quy chế tổ chức họp báo do UBND TP Cần Thơ ban hành là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, áp dụng lặp lại nhiều lần với các cơ quan, cá nhân.
Bởi vậy, việc Cần Thơ "ban hành văn bản hành chính nhưng chứa quy phạm pháp luật" là vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cần Thơ còn yêu cầu cơ quan báo chí, phóng viên thường trú phải gửi câu hỏi về Sở Thông tin và Truyền thông ít nhất ba ngày trước họp báo. Cục Kiểm tra văn bản đánh giá điều này cũng trái quy định pháp luật, bởi Luật Báo chí và Nghị định 09/2017 không đặt ra giới hạn thời gian cơ quan, phóng viên phải gửi câu hỏi trước họp báo.
Quy chế của Cần Thơ quy định câu hỏi của phóng viên tại họp báo phải phù hợp tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đang công tác. Viện dẫn khoản 7 điều 22 Luật Báo chí quy định "văn phòng, phóng viên thường trú phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích", Cục Kiểm tra văn bản nhận thấy quy định này phù hợp song cách diễn đạt trong quy chế dẫn đến nhiều cách hiểu không thống nhất.
Sau khi chỉ ra các tồn tại, Cục Kiểm tra văn bản cho hay sẽ ban hành kết luận bằng văn bản về vấn đề này theo thẩm quyền. "Trước mắt, Cục đề nghị UBND TP Cần Thơ xem xét, xử lý quy chế đã ban hành sao cho hợp lý", ông Hồ Quang Huy nói.
Trước đó, UBND TP Cần Thơ ban hành Quy chế tổ chức họp báo, hiệu lực từ tháng 4, quy định tổ chức họp báo định kỳ mỗi quý một lần và đột xuất khi có chuyên đề, sự việc quan trọng.
Quy chế đặt ra nhiều yêu cầu như phóng viên phải gửi câu hỏi trước họp báo ba ngày, đặt câu hỏi bổ sung tại cuộc họp phải phù hợp "tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đang công tác".
TP Cần Thơ đang có khoảng 65 cơ quan, văn phòng đại diện báo chí địa phương và Trung ương, với gần 1.000 cán bộ, phóng viên, nhân viên.