Quyết định trên ra ngày 13/3, người ký là Phạm Thanh Xuân, TUQ Viện trưởng VKSND TP HCM. Theo đó, Cơ quan cảnh sát điều tra phải xem xét lại một số vấn đề: Xem xét lại tội danh gây rối trật tự công cộng của Trịnh Trung Dũng để khởi tố thêm vì Dũng cùng với Hoàng Văn Tú, Lê Bùi Tuấn và một người Campuchia đến vũ trường Metropolis để đánh trả thù nhóm kia. Xem lại tội danh của Hoàng Văn Tú và Lê Bùi Tuấn, Trần Minh Tuấn, Nguyễn Quốc Đại, Trần Hoàng Tuấn. Khởi tố điều tra Hồ Việt Sử vì có dấu hiệu giữ vai trò chủ mưu về 2 tội danh gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích. Trong thời hạn 30 ngày, Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ phải hoàn tất phần điều tra bổ sung.
Vụ án này đã được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM kết luận điều tra vào ngày 19/2 và đề nghị truy tố 12 bị can với các tội danh giết người, tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, gây rối trật tự công cộng, che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm, sửa chữa sử dụng giấy chứng nhận của cơ quan tổ chức, cố ý gây thương tích.
Phóng viên báo Thanh niên bị xem xét trách nhiệm hình sự
Quyết định trên có đoạn: “Đối với phóng viên Phú khi tiếp xúc với A Lý và Diệp Hiểu Vân đã biết rõ sự việc bắn chết người. Cần phải xem xét trách nhiệm hình sự về tội danh Không tố giác tội phạm".
Phóng viên Hữu Phú đã nhận được giấy mời do Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM, trung tá Nguyễn Việt Dũng ký, mời đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM vào ngày 19/3 để hỏi về việc tiếp xúc Lee-Han-Hsin (A Lý) và Diệp Hiểu Vân sau khi vụ án bắn chết người xảy ra trước vũ trường Metropolis.
Về vấn đề này, chiều qua (15/3), Viện trưởng VKSND TP HCM Trương Hòa Bình, đang họp Quốc hội ở Hà Nội, nói: "Tôi chưa biết thông tin gì về việc này. Tôi sẽ kiểm tra, nếu có thông tin, tôi sẽ trả lời sau".
Thiếu tướng Trương Hữu Quốc, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an, cho biết: “Chỉ nguyên việc nhà báo Hữu Phú theo sự chỉ đạo của Ban biên tập đi tìm gặp đối tượng A Lý để viết bài điều tra về vụ án và đăng trên báo cũng đã hoàn thành việc tố giác tội phạm. Chưa nói tới việc, sau khi gặp A Lý, nhà báo này đã báo cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM những thông tin về đối tượng. Vừa báo cáo sự việc với cơ quan chức năng, vừa viết bài trên báo để phản ánh cuộc gặp đó, thì rõ ràng nhà báo này không chỉ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn mà còn làm tròn nghĩa vụ công dân, không hề che giấu tội phạm. Do đó không thể có việc xem xét trách nhiệm hình sự đối với nhà báo này”.
Ông Phạm Hưng, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, nguyên chánh án TAND tối cao nhận định: “Theo tôi, nếu như phóng viên đã nắm được vụ việc và viết bài trên báo thì đấy chính là một hình thức tố giác tội phạm. Ở đây trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật như kiểm sát và công an. Đáng lý ra họ phải đến gặp ngay phóng viên ấy để thu thập thêm thông tin, để từ đó phát hiện ra tội phạm chứ không nên chờ phóng viên đó phải tới cơ quan công an làm thủ tục tố giác tội phạm”.
(Theo Người Lao Động, Thanh Niên)