Đây là vụ ly hôn đầu tiên tại Trung Quốc đi đến phán quyết như trên, qua đó làm dấy lên tranh cãi trên mạng xã hội về địa vị phụ nữ trong gia đình, Global Times đưa tin ngày 22/2.
Theo hồ sơ, năm 2015, bà Vương kết hôn với ông Trần tại quận Phòng Sơn, thành phố Bắc Kinh, sinh một con trai. Năm 2019, ông Trần gửi đơn ly hôn rồi tự rút, một năm sau lại yêu cầu ly hôn nhưng bị tòa bác bỏ. Tháng 10/2020, ông một lần nữa khởi kiện ly hôn, yêu cầu được quyền nuôi con và chia đôi tài sản.
Sau đó, bà Vương yêu cầu chồng bồi thường 50.000 nhân dân tệ vì lúc chung sống phải làm hầu hết mọi việc trong nhà, bao gồm chăm sóc con và dọn dẹp nhà cửa. Theo bà, chồng gần như không làm gì ngoài việc đi làm.
Trong phiên sơ thẩm, tòa án quận Phòng Sơn ra phán quyết nhận định bà Vương đã ly hôn hợp pháp với ông Trần. Bên cạnh việc chia đôi tài sản chung, tòa án còn yêu cầu ông Trần bồi thường cho vợ, bởi điều 1088 Bộ luật Dân sự quy định "khi một bên vợ chồng phải chịu thêm trách nhiệm để nuôi con, chăm sóc bố mẹ già, hoặc hỗ trợ công việc của bên kia, họ có quyền yêu cầu đòi đối phương bồi thường khi ly hôn".
"Đây rất có thể là vụ kiện ly hôn đầu tiên có phán quyết ủng hộ bồi thường công việc nội trợ, theo báo chí và các phán quyết có thể tra cứu được", Han Xiao, luật sư thuộc hãng luật Beijing Kangda, nhận định.
Sự việc được đưa ra bàn luận rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc với dòng hashtag liên quan đạt hơn 440 triệu lượt xem vào ngày 22/2. Một số người hoan nghênh phán quyết và cho đây là sự công nhận đối với công việc nội trợ toàn thời gian của các bà vợ. Một số người khác cho rằng khoản bồi thường 50.000 nhân dân tệ cho người vợ ở Bắc Kinh là quá ít vì vẫn thấp hơn chi phí thuê người dọn nhà trong 6 tháng.
Luật sư Han cho rằng vụ kiện này là khởi đầu tốt đẹp giúp mở đường cho quy định về bồi thường công việc nội trợ được cải thiện.
Tuy nhiên, một số luật sư khác lưu ý sự phức tạp của các vụ ly hôn và chỉ ra rằng rất khó để định lượng công việc nội trợ. "Cuộc sống gia đình rất phức tạp, chưa kể có sự phân chia lao động trong cả xã hội và gia đình, nên rất khó để định lượng công việc. Chế độ chia tài sản thông thường cũng đã cân nhắc vấn đề cân bằng trong đóng góp của hai bên, nên tôi không khuyến khích tòa án ủng hộ khoản bồi thường lớn hơn dành cho việc nội trợ", Chen Hao, luật sư thuộc hãng luật Shaanxi Dezun, nhận định.
"Hoàn cảnh mỗi gia đình là khác nhau, giới tính không phải là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá trong những sự việc như vậy. Mỗi người đều có cách cân bằng riêng giữa công việc và trách nhiệm gia đình, và đây là lựa chọn cá nhân", luật sư Chen nói.
Quốc Đạt (Theo Global Times, The Paper)