"Tôi tin rằng nếu đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đầy đủ thông tin về chính sách biên soạn sách giáo khoa của các nước thì sẽ không kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa phổ thông", ông Nguyễn Duy Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, phát biểu tại Quốc hội chiều 31/10.
Không tán thành đề xuất nêu trên, ông Thanh cho rằng về cơ sở pháp lý, đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia biên soạn sách giáo khoa không phù hợp với Nghị quyết Quốc hội năm 2020 và Luật Giáo dục năm 2019. Hai văn bản này đã điều chỉnh Nghị quyết 88 của Quốc hội về việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Đề nghị này cũng không phù hợp thực tiễn là xã hội hóa sách giáo khoa đã đạt được nhiều kết quả và đang triển khai thuận lợi.
Dẫn báo cáo của đoàn giám sát nêu giai đoạn 2015-2022, Chính phủ bố trí 213.400 tỷ đồng cho đổi mới sách giáo khoa phổ thông, trong đó chi thường xuyên 81.000 tỷ đồng, chi đầu tư 131.600 tỷ đồng, đại biểu Thanh đề nghị các cơ quan cung cấp số liệu cho biết mức chi nói trên vượt bao nhiêu so với chi bình thường hàng năm cho giáo dục phổ thông theo quy định.
"Chi đổi mới sách giáo khoa là bao nhiêu, gồm những khoản nào? Nếu không tách bạch các khoản chi này sẽ gây hiểu nhầm về số tiền khổng lồ và cách Chính phủ chi tiêu ngân sách", ông Thanh nói.
Đại biểu tỉnh Cà Mau đề nghị làm rõ trong việc xã hội hóa sách giáo khoa, đóng góp của doanh nghiệp bao nhiêu, nhà nước chi bao nhiêu và ngân sách tiết kiệm được bao nhiêu tiền, từ đó đánh giá đầy đủ chủ trương này.
Đại biểu Lưu Bá Mạc (Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn) cũng cho rằng chưa nên giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn sách giáo khoa. Việc cấp thiết lúc này là để giáo viên và trường học lựa chọn bộ sách phù hợp với mặt bằng tâm lý học sinh và thực tiễn mỗi địa phương. Cơ quan nhà nước giữ vai trò kiểm tra, đôn đốc, giám sát, không can thiệp vào công việc chuyên môn của giáo viên.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ xem xét biên soạn sách giáo khoa khi tổng kết, đánh giá cụ thể, khách quan, khoa học", ông Mạc nói.
Tranh luận với đại biểu Thanh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đồng tình cần bóc tách các khoản kinh phí thực hiện chương trình đổi mới sách giáo khoa. Tuy nhiên, bà cho biết "thời gian giám sát là lúc đang thực hiện song hành hai chương trình cũ và mới nên chưa bóc tách được".
Khẳng định cần ghi nhận thành công của chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa, nhưng bà Hoa nói rằng Nghị quyết 88 của Quốc hội là gốc. Năm 2020 do sắp vào năm học mới mà chưa có bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn nên Quốc hội cho phép nếu có một bộ sách giáo khoa của một môn xã hội hóa thì không dùng ngân sách biên soạn.
"Tuy nhiên, qua giám sát chúng tôi thấy rất cần thực hiện trách nhiệm của Nhà nước xây dựng chương trình sách giáo khoa", bà Hoa nói, khẳng định Nhà nước tham gia biên soạn sách giáo khoa không có nghĩa là không tin tưởng vào xã hội hóa mà để hoàn toàn chủ động trong mọi tình huống.
Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội nêu rõ chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Ngoài ra, để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ với kinh phí 16 triệu USD từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới.
Vì nhiều lý do, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thực hiện được việc này. Quốc hội sau đó đồng ý nếu mỗi môn học đã có ít nhất một bộ sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt thì không dùng ngân sách để biên soạn sách giáo khoa của môn đó nữa.
Từ năm 2020, lộ trình thay sách giáo khoa mới bắt đầu được thực hiện, ở mỗi khối lớp đều có ít nhất ba bộ sách giáo khoa để các nhà trường, phụ huynh chọn lựa. Đến năm học này, việc thay sách ở cấp tiểu học đã thực hiện đến lớp 4, cấp THCS đến lớp 8, cấp THPT đến lớp 11.
Tuy nhiên, Nghị quyết giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ngày 18/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại cho rằng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết số 88 là "chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước". Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 88 về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa.