Ngày 24/4, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu các đơn vị phải báo cáo gồm: viện, bệnh viện, đại học, bệnh viện thuộc trường thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các địa phương; y tế các ngành; một số bệnh viện tư nhân.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị trên thu thập, bổ sung số liệu và báo cáo kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động của hãng Quiagen (Đức) và tất cả bộ phận cấu thành của hệ thống; báo cáo gồm các hợp đồng được ký kết trong hai năm qua (từ 1/3/2018 đến 29/2/2020).
Các tài liệu phải photo, đóng dấu sao y bản chính để gửi kèm báo cáo gồm: quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt; quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu; hợp đồng mua bán giữa các bên, tài liệu về thông số, tính năng kỹ thuật của hệ thống; catologue (danh mục) của thiết bị chính và các thành phần của hệ thống; ảnh chụp các thiết bị nêu trên.
Các đơn vị gửi báo cáo khẩn về vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế trước 28/4; đồng thời gửi qua thư điện tử.
Trước đó ngày 17/4, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị báo cáo việc mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm nCoV. Tuy nhiên đến nay, nhiều địa phương chưa báo cáo.
Ngày 22/4, liên quan gói thầu mua sắm hệ thống Real-time PCR tự động ở Hà Nội, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết: "Khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng, tuy nhiên qua mua bán lòng vòng, đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã lên đến 7 tỷ đồng".
Bộ Công an đã khởi tố ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và 6 người với cáo buộc gian lận mua máy xét nghiệm.
Real-time PCR được giới thiệu là hệ thống mở cho phép chạy được nhiều loại hóa chất có thể xét nghiệm được nhiều loại bệnh truyền nhiễm, không riêng nCoV. Trên thị trường phần lớn máy này phải nhập từ Đức hoặc một số nước châu Âu có giá từ 2,5 tỷ đồng tới 10 tỷ đồng, tùy công suất và cấu hình.