Tôi không phải là khán giả trung thành của Bước nhảy Hoàn vũ (BNHV). Mùa duy nhất mà tôi theo dõi khá đều là 2011. Lẽ ra năm nay đã không xem một buổi nào nếu không tình cờ nghe thấy tiếng MC Mạnh Hải từ tivi: "… Vũ điệu Valse do Ban Giám khảo chỉ định trên nền một ca khúc cách mạng rất nổi tiếng: Biết ơn chị Võ Thị Sáu".
Giật mình tự hỏi không biết có gì nhầm lẫn không, vì bài hát nền được sáng tác theo nhịp 4/4, trong khi điệu Valse lại phải nhảy trên nền nhạc 3/4. Tôi bèn bám vào tivi với hy vọng được nghe một bản nhạc viết lại nhịp cho bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. (Trong khiêu vũ, có rất nhiều bản nhạc nổi tiếng nhịp 4/4 được viết và chơi lại theo nhịp 3/4 để dành cho 2 điệu Slow Waltz và Viennese Waltz, bằng cách dồn hoặc kéo dài trường độ các nốt nhạc).
Yến Trang và bạn nhảy trong phần trình diễn "Biết ơn chị Võ Thị Sáu". |
Hoang mang thêm chút nữa khi nghe nhạc dạo đầu (thực ra là đoạn mồi của tiết mục sau tiếng bom đạn). Đoạn này chơi nhịp 4/4, tempo khoảng 30 nhịp/phút, có thể nhảy Slow Foxtrot, không thể nhảy bất kỳ loại Waltz nào. Tôi phấp phỏng chờ đợi đoạn này kết thúc để vào bài chính xem dàn nhạc đổi nhịp ra sao. Và sau đó là nhiều cảm giác khó tả khi theo dõi tới hết tiết mục.
“Biết ơn chị Võ Thị Sáu” vẫn được chơi và hát theo nhịp gốc 4/4 (cảm ơn các nhạc công và ca sĩ Xuân Nghi), tempo khoảng 34 nhịp/phút - nhanh hơn đáng kể so với chuẩn hiện tại 28-30 nhịp/phút của Slow Foxtrot và hoàn toàn không liên quan tới bất kỳ thứ gì có chữ Waltz. Và quả nhiên, khi vào “Mùa hoa Lê-ki-ma nở”, Tisho đã sử dụng bước kinh điển của Slow Foxtrot và nối tiếp bằng nguyên một chuỗi các bước của điệu nhảy này (na ná, bởi Slow Foxtrot quá khó cho người mới tập nhảy như Yến Trang). Cho tới hết đoạn 1 ("đã chết cho mùa hoa Lê-ki-ma"), Tisho và Yến Trang nhảy thuần các bước Slow Foxtrot với cách chia nhịp Slow Quick Quick quen thuộc của điệu nhảy này.
Đoạn 2 (nối từ đoạn 1 sang đoạn “đời sau vẫn còn nhắc nhở”), Tisho nhảy thuần các bước của Viennese Waltz (có chế chút tạo dáng), nhưng bởi nhảy trên nền nhạc chẳng liên quan gì tới “3 bước trong 1 nhịp” nên anh đành phải chơi 6 bước trong 1 nhịp (4 phách 1234 của một nhịp nhạc được Tisho chia vào 6 bước nhảy của 2 “nhịp” quay thành 12& 34&). Nói về tốc độ, nhảy 2 “nhịp” quay trong 1 nhịp nhạc tempo 34 nhịp/phút tương đương với 68 lần quay/phút, nhanh hơn đáng kể so với chuẩn hiện tại 56-60 nhịp/phút của Viennese Waltz. Điều này khiến Tisho và Yến Trang không thể thực hiện được bước nhảy đúng kỹ thuật. Tuy nhiên, khi bước nhảy đã không ăn nhập với nền nhạc (nhịp) thì thiết tưởng cũng không cần bàn tới tốc độ và kỹ thuật nữa.
Từ đoạn B “Người thiếu nữ ấy như mùa xuân” cho tới hết bài, Tisho và Yến Trang múa là chính nên tôi cũng không bàn thêm (còn một đoạn ngắn về sau, đôi nhảy vẫn chơi vài nhịp quay phải của Viennese Waltz).
Không nói về ý tưởng đưa một bài hát anh hùng cách mạng (có lời) vào điệu nhảy có tính chất chẳng hề liên quan, bởi mỗi người sẽ có cảm nhận riêng sau khi xem. Nhưng tôi không thể hiểu nổi tại sao Tisho, vốn là một vũ công chuyên nghiệp, lại chấp nhận dựng một bài biểu diễn theo cách này. (Hiển nhiên là anh quá biết, bởi anh chuyên nghiệp và bởi cách anh dùng các bước Slow Foxtrot để đi đoạn đầu và chia nhạc để xử lý các bước Viennese Waltz ở đoạn sau). Càng không thể hiểu nổi tại sao Ban Giám khảo nguyên 4 người lại không thấy ai nhận xét gì về âm nhạc. (Trừ giám khảo Lê Hoàng có nói “Yến Trang không được Valse cho lắm” và “xét về bước chân thì nó không chính xác”, không rõ có phải ông ám chỉ mối liên hệ âm nhạc và bước nhảy hay không?).
Yến Trang và Tisho giây phút mừng chiến thắng. |
Trong các cuộc thi khiêu vũ, các đôi nhảy sai nhạc thường bị loại không được chọn vào vòng trong hoặc bị đánh xuống vị trí thấp nhất nếu là chung kết, bởi âm nhạc là yếu tố tạo nên sự khác biệt của bộ môn. Dancesport về thể lực yếu hơn rất nhiều so với các môn thể thao khác và về tính nghệ thuật - nếu tắt nhạc đi cho các đôi nhảy chay - thì cũng không chắc đã đọ nổi thể dục nghệ thuật. Để Dancesport trở thành một môn hoàn toàn khác biệt thì bắt buộc phải có âm nhạc. Vì thế những người khiêu vũ phải rất tôn trọng âm nhạc. Kể cả với một cuộc thi “vui là chính” như BNHV, những người tham gia cũng cần đặt ra giới hạn: cái gì có thể xuề xòa bỏ qua được (như nhảy sai kỹ thuật hoặc bước trượt nhạc) và cái gì là không thể.
Sáng tạo, hay thậm chí phá cách, trong nghệ thuật là điều luôn cần có để nghệ thuật có thể phát triển. Nhưng phá ở trường hợp này tôi e rằng đã quá đà.
Vẫn biết các game show truyền hình hướng tới tính giải trí cao và có mục đích thương mại, nhưng nếu làm được cái gì ra cái đó thì vẫn tốt hơn. Trong phóng sự đầu chương trình chung kết cũng có nói "BNHV còn góp phần cổ vũ phổ biến bộ môn Khiêu vũ Thể thao - vốn còn khá mới mẻ - đến với đông đảo các tầng lớp, góp phần gây dựng phong trào Dancesport trên cả nước”. Hy vọng ở những kỳ tới, những người làm BNHV sẽ nắn nót hơn nữa để xứng đáng đúng với mục đích to lớn của chương trình.
Video: Yến Trang - Tisho nhảy Valse "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" |
Nguyễn Minh Sơn