Trong phiên giao dịch 14/7, yen tăng giá 0,14% so với đôla Mỹ, lên 138,2 JPY đổi một USD. Nội tệ Nhật Bản đã mạnh lên phiên thứ 7 liên tiếp, hướng tới chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2018. Hiện tại, tỷ giá đã tương đương mức giữa tháng 5.
Nguyên nhân yen mạnh lên được cho là nhà đầu tư mua vào đóng trạng thái bán khống. Bên cạnh đó, họ cũng muốn phòng trừ rủi ro trước các đồn đoán Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thay đổi chính sách tiền tệ trong tháng này.
Tin đồn về BOJ cũng kéo lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản lên cao. Hiện tại, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tiến sát mức trần 0,5% do BOJ đặt ra.
"Nhìn vào việc trái phiếu bị bán tháo và diễn biến gần đây của yen, có vẻ là khả năng BOJ sửa đổi chính sách đang thôi thúc nhà đầu tư đóng trạng thái", Teppei Ino - nhà nghiên cứu tại MUFG Bank cho biết trên Bloomberg.
Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Masato Kanda hôm 13/7 cũng cho biết giới chức đang theo dõi sát sao diễn biến trên thị trường tiền tệ. Ông nhận định thị trường đang cho rằng tâm lý giảm phát tại Nhật Bản bắt đầu thay đổi, khi các công ty tăng lương và tăng giá. Tình hình lạm phát tại nước ngoài, như Mỹ, cũng thu hút sự chú ý.
Vài tháng qua, đồng yen liên tục yếu đi, khi BOJ giữ lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1%. Động thái này trái ngược với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), khiến nhà đầu tư bán đồng tiền này để chuyển sang các kênh khác cho lợi nhuận cao hơn.
Giữa tháng trước, mỗi đôla Mỹ đổi được 145 yen – mức chưa từng có kể từ tháng 11 năm ngoái. Thời điểm đó, yen cũng xuống thấp nhất 15 năm so với đồng euro.
Hà Thu (theo Bloomberg)