Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu Cục Hải quan TP HCM và Hà Nội tăng cường kiểm tra mặt hàng tổ yến nhập khẩu nhằm hạn chế những gian lận về giá và chấn chỉnh thị trường này. Chỉ đạo này được đưa ra trong bối cảnh một số nhà sản xuất nội có đơn kêu cứu các cơ quan hữu trách về việc một số doanh nghiệp nhập khẩu tổ yến từ nước ngoài vào Việt Nam với giá khai báo thấp, gây khó khăn cho nghề nuôi và khai thác tổ yến trong nước.
Yến sào, hay tổ chim yến là món ăn nhiều dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Cộng với lý do khó khai thác, đây là mặt hàng rất đắt đỏ xưa nay.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, hiện một số đơn vị đang nhập khẩu tổ yến từ Malaysia và Indonesia qua đường hàng không với giá khai báo tính thuế là 200-400 USD một kg (tương đương 425.000 đến 850.000 đồng với 100gram ) và được các cơ quan chức năng chấp nhận cho thông quan. Trong khi đó, theo quy định, mức giá tham chiếu để tính thuế cho tổ yến nuôi nguyên tổ dạng thô có giá dao động từ 535 đến 725 USD một kg.
Khảo sát của VnExpress cho thấy, mặt hàng này đang được bày bán với nhiều mức giá khác nhau, với nhiều xuất xứ từ hàng chính hãng trong nước, nhập khẩu, xách tay hoặc loại các gia đình tự khai thác...
Anh Trung (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chủ một shop online quảng cáo chuyên cung cấp yến đảo nhập khẩu từ Malaysia cho biết đang bán lẻ với giá 2,1 triệu đồng 100 gram. Khách hàng nhập số lượng lớn, từ 5kg trở lên giá sẽ giảm xuống. Anh cũng cho biết, đây là mặt hàng yến đảo, được đơn vị thu mua tận gốc nên có mức giá rẻ như vậy. Về chất lượng, chủ shop cũng cam kết không thua kém hàng trong nước.
Mặt hàng yến sào trên thị trường đang được bán với các mức giá rất chênh lệch nhau. |
Trong khi đó, một số đầu mối bán buôn còn có giá rẻ chỉ bằng nửa mức trên. Chị Dung (Long Biên) chuyên cung cấp yến cho biết loại rẻ nhất là hàng bán thô, chưa nhặt lông có giá dao động từ 10 đến 11 triệu đồng một kg (khoảng một triệu đồng 100gram). Chị cho biết, mặt hàng này thường được nhiều nơi mua về để tinh chế, sau đó bán ra thị trường.
"Chỉ mất công làm thôi chứ sau khi tinh chế, cân nặng hầu như không hao nên kinh doanh mặt hàng này thì lãi hơn nhiều", chị Dung nói.
Loại đã tinh chế, rút lông được chị báo giá cao hơn, lần lượt là 1,4 và 2 triệu đồng với 100gram, tùy chất lượng. Ngoài ra, chị còn nhiều mặt hàng khác như kim tơ yến, hồng yến, yến cam, yến tai... giá từ 1,6 đến 1,9 triệu. "Nếu khách cần, có thể gọi điện bất kỳ lúc nào chúng tôi cũng có hàng", chị Dung cho hay.
Tại chợ Đồng Xuân, nhiều quầy hàng bày bán yến sào nguyên tổ cũng bán yến sào nguyên tổ đã được làm sạch lông, đóng trong các bọc nilông. Các tiểu thương đều giới thiệu đây là yến sào Khánh Hòa hoặc Phú Yên, giá bán các mặt hàng dao động từ 2,2 đến 3,2 triệu đồng một gói 100gram. Tuy nhiên, trên bao bì sản phẩm đều không thấy ghi nhãn mác.
Nhiều shop online quảng cáo là kinh doanh hàng trong nước, do gia đình tự khai thác từ các tỉnh Khánh Hòa, Đồng Nai, Phú Yên... với mức giá áp dụng cho loại chưa qua sơ chế vào khoảng 2,7 triệu với 100gram, hàng đã sơ chế giá trên dưới 3 triệu đồng, tùy loại.
Ông Lê Quang Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Dạ Yến nhìn nhận thị trường yến rất phức tạp, hàng trôi nổi xuất hiện nhiều với mức giá thấp khiến các doanh nghiệp trong nước gặp không ít khó khăn. Vị này cũng cho biết, hiện các mặt hàng của các doanh nghiệp trong nước đang được bán ra đều trên 4 triệu đồng với 100 gram.
"Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng thường chỉ quan tâm đến giá cả sản phẩm nên việc phát triển thị trường của doanh nghiệp nội không hề đơn giản", ông Thắng nói.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Yến Việt, bà Đặng Phạm Minh Loan cũng nhận định nhà sản xuất trong nước đang phải cạnh tranh mạnh với nhiều mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, giá bán thì rất thấp.
Theo lãnh đạo Yến Việt, nhu cầu thị trường đối với mặt hàng này ngày một tăng trong khi nguồn cung trong nước tuy cũng tăng nhưng không đủ để đáp ứng nhu cầu, do đó mới xuất hiện nhiều mặt hàng từ nhập khẩu, xách tay đến hàng tự khai thác...
"Ở góc độ người kinh doanh, tôi không dám bình luận rằng hàm lượng dinh dưỡng của yến Việt cao hơn loại ngoại nhập. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn một thị trường với những sản phẩm đều đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng để có sự cạnh tranh lành mạnh hơn", bà Loan nói.
Ngọc Tuyên