Ngày 3/8, chúng tôi nhận tin báo lũ ống quét qua Mù Cang Chải. Cơn lũ khiến ít nhất hai người chết, 13 người mất tích, sáu người bị thương. 26 ngôi nhà bị cuốn trôi, 14 nhà đổ sập hoàn toàn.
Xuất phát từ Hà Nội vào buổi chiều, nửa đêm các phóng viên đến nơi. Một ngày trước, nơi này còn là thị trấn miền núi bình yên, giờ đây là ngổn ngang gạch đá. Nước vẫn xối xả từ trên đồi cao xuống. Hai giờ sáng, hàng chục bộ đội địa phương căng mình khoan đục những khối đá lớn để tìm người mất tích bị vùi lấp.
“Lên đến nơi, em không thấy mệt sau chuyến đi từ Hà Nội nữa” - bạn phóng viên trẻ gọi về cho tôi. Vì cảnh tượng đổ nát trước mắt choán hết tâm trí. Bạn kể chuyện người đàn ông gương mặt bơ phờ ngồi bệt bên dòng nước đục. Ông đang có một gia đình, bỗng một sớm mai vợ và hai đứa con cùng nhà cửa bị cuốn theo dòng nước.
Mù Cang Chải nghèo và hoang sơ. Mù Cang Chải với những ruộng bậc thang kỳ vĩ bên sườn núi nổi danh từ lâu. Và lúc này là Mù Cang Chải mong manh trước sự nổi giận của thiên nhiên. Những mái nhà tường gạch mỏng đã không chống chọi lại được cuộn nước hung dữ, không che chở được số phận những con người.
Ở đó, chúng tôi đặc tả hình ảnh của một ngôi trường. Những lớp học tan hoang gạch vữa, cuốn giáo án bị nước vò nát. Bàn ghế đã bị cuốn trôi, và thay vào đó, trên bục giảng, là một khối bê tông lớn bị cuốn vào theo nước lũ. Trên bảng đen, dòng phấn viết bài đã bị trát đầy bùn nâu.
Cũng là Yên Bái, hơn một tháng trước, chúng tôi đến để đưa tin về cuộc thanh tra tài sản của vị lãnh đạo cấp sở nơi đây.
Cách trung tâm thành phố Yên Bái chỉ khoảng hai vài ba cây số, bên ngọn đồi thoai thoải hình bát úp là công trình xây dựng sừng sững. Đó là khung cảnh gần như tách biệt với xung quanh, với biệt thự, nhà sàn, hồ nước và sân chơi thể thao. Ở lưng chừng đồi, có khu đất khá rộng được san bằng phẳng để trồng địa lan. “Thật là hoành tráng”, ai đó trong nhóm phóng viên thốt lên.
Kết quả thanh tra biệt phủ sắp được công bố. Lẽ thường tình, nếu đất đai và tài sản là hợp pháp, bất cứ ai cũng có quyền hưởng thụ, xây cất những gì mình muốn trong khuôn khổ pháp luật. Trường hợp ngược lại, phát hiện điều gì bất minh thì cơ quan chức năng sẽ áp dụng chế tài.
Nhưng dù rồi đây kết quả thanh tra cho thấy điều gì, chuyện về “biệt phủ Yên Bái” vẫn đọng lại câu hỏi về đạo làm quan.
Một cán bộ trong bộ máy hành chính ở tỉnh miền núi, nơi mà cứ trời mưa bão là biết bao hộ dân nơm nớp lo nhà cửa bị lũ cuốn, đã xây dựng điều gì trong lòng dân khi xây dựng cho mình một tư gia - mà dư luận gọi là “biệt phủ”?
Những ngày ở Yên Bái, không biết rõ đường xá địa phương nên chúng tôi sử dụng Google Maps trên điện thoại để di chuyển.
Cơ chế hoạt động của Google Maps cho phép bất cứ người dùng nào thêm một địa điểm vào bản đồ, đặt tên cho nó và đánh dấu vị trí. Với khu đất ở của gia đình Giám đốc Sở Tài nguyên Yên Bái, chúng tôi được hướng dẫn gõ từ khoá “biệt phủ” kèm tên riêng của vị quan chức, lập tức màn hình điện thoại hiện chi tiết vị trí cần đến. Ai đó đã thêm nó vào; như bất kỳ một nhà hàng, khách sạn, công ty hay là địa điểm tham quan nổi bật nào đó trên địa bàn.
Khi phóng viên đưa điện thoại Android lên chụp ảnh cơ ngơi này, Google đã tự nhận ra, và tự lưu địa điểm bức ảnh được chụp: Biệt phủ.
Trên bản đồ số toàn cầu, có một nơi ở tỉnh miền núi nghèo phía Bắc Việt Nam được đặt tên là “biệt phủ”.
Sẽ không có ai đánh dấu lên bản đồ căn nhà của người đàn ông ngồi bệt nhìn dòng nước đã cuốn đi vợ con mình. Cũng sẽ không ai đánh dấu những lớp học đã tan tành sau lũ ống. Bởi vì người dân sẽ lầm lũi xây dựng lại chúng từ đầu, sẽ lại tự xoay xở trong thiên tai và cái nghèo để tồn tại.
Nhưng có lẽ rất lâu sau nữa, vị trí của cái “biệt phủ” ở trung tâm tỉnh lỵ, sẽ còn lưu lại dù trên bản đồ hay là trong tâm trí người dân, như là một hình ảnh của Yên Bái. Như một cái vết.
Người dân thì khuyết danh, người lãnh đạo thì hữu danh. Và ở Yên Bái, dòng nước tàn ác vừa đi qua, lại làm người ta tự hỏi thêm, về vết dấu của những người hữu danh ở nơi này.
Võ Văn Thành