Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lúc 18h ngày 1/10, mực nước sông Thao (sông Hồng) tại Yên Bái là 31,13 m, trên báo động hai 0,13 m. Dự báo trong 6-12 giờ tiếp theo, lũ sông Thao tiếp tục lên trên báo động ba, mức báo động cao nhất.
Lũ lên nhanh khiến nhiều khu dân cư vùng trũng ở Yên Bái như phường Yên Ninh, Hồng Hà, Minh Tân, Nguyễn Thái Học, Nam Cường, Đồng Tâm, Hợp Minh, xã Tuy Lộc, Âu Lâu của TP Yên Bái nguy cơ ngập lụt, độ sâu phổ biến 0,3-0,7 m, có nơi trên 1,5 m.
Lúc 19h, nước sông Thao bắt đầu tràn nhanh vào đường Thanh Niên và đường kè sông Hồng ở các khu vực trũng thuộc tổ dân phố Hồng Tân, Hồng Phú, Hồng Thái, Hồng Thanh, phường Hồng Hà. Người dân chủ động thu dọn tài sản trước khi nước dâng cao.
Nhiều nơi khác đối mặt với nguy cơ ngập úng, như thị trấn Cổ Phúc, Quy Mông, Kiên Thành, Báo Đáp, Việt Thành của huyện Trấn Yên; thị trấn Yên Bình của huyện Yên Bình; thị trấn Mậu A, Mậu Đông, Đông An, Đại Phác, Mỏ Vàng, Viễn Sơn, An Phú, An Thịnh, Yên Hợp của huyện Văn Yên.
Do lưu vực hồ Thác Bà mưa lớn, các hồ thủy điện phía thượng nguồn tiếp tục xả lũ, từ 18h Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà bắt đầu điều tiết mở tăng lưu lượng qua đập tràn, lưu lượng qua đập tràn từ 690 m3/s, duy trì phát tối đa hai tổ máy với lưu lượng 270 m3/s. Mực nước hạ lưu vì thế sẽ tăng lên.
Cơ quan khí tượng lý giải nước lũ sông Thao lên nhanh do tác động của vùng hội tụ gió trên độ cao 1.500-5.000 m, từ ngày 28/9 đến nay các tỉnh Lào Cai, Yên Bái mưa lớn. Chỉ 24 giờ từ 15h hôm qua đến 15h hôm nay, lượng mưa ở Tả Giang Phình (Lào Cai) đã hơn 310 mm, Mỏ Vàng (Yên Bái) 320 mm, Cao Bồ (Hà Giang) 150 mm.
Tạm dừng cầu phao Phong Châu
Tối 1/10, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch huyện Tam Nông, cho biết chiều cùng ngày quân đội đã cắt nhịp cầu phao Phong Châu, tạm dừng phương tiện qua lại do mưa lớn khiến lũ sông Hồng lên nhanh. Sáng mai, sau khi đánh giá tình hình, lực lượng chức năng sẽ đưa ra quyết định tiếp theo.
Trước đó sáng 29/9, hơn 200 chiến sĩ và khoảng 90 phương tiện của Lữ đoàn 249 hoàn thành việc lắp cầu phao PMP 60 tấn qua sông Hồng nối liền hai xã Hương Nộn, huyện Tam Nông và Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao. Cầu phao hoạt động từ 6h đến 22h, sau đó cắt nhịp để tàu thuyền có thể qua lại. Từ 5h đến 6h hôm sau, quân đội sẽ nối lại cầu để người dân đi lại.
Lào Cai nguy cơ sạt lở, Làng Nủ tiếp tục bị chia cắt
Mưa lũ những ngày qua khiến một số nơi ở Yên Bái sạt lở, trọng tâm là huyện Văn Bàn. Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, 6 nhà bị hư hại trên 70% do sạt taluy dương. Chính quyền di dời 67 hộ tại xã Viễn Sơn, Phong Du Hạ vì đồi xuất hiện vết nứt. Một số tuyến đường sạt lở, riêng tuyến Đại Sơn đi Nà Hẩu có 12 điểm sạt khiến giao thông tê liệt.
Tại Lào Cai, tuyến đường cứu hộ, cứu nạn xã từ Trịnh Tường đi Y Tý vừa khắc phục sau bão Yagi thì nay tiếp tục xói lở, giao thông tê liệt. Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại đường tỉnh 155 tại xã Mường Hum, đường liên xã Nậm Chỏn đi Tả Cầu Liền, Séo Phìn Than.
Ông Nông Thế Mạnh, Chủ tịch xã Phúc Khánh, cho biết mưa lớn liên tục từ tối 30/9 đến chiều nay khiến nước suối từ thượng nguồn dâng cao. Ngày 1/10, chính quyền di dời hơn 100 hộ dân ở vùng nguy cơ sạt lở tại 13 thôn tới nhà văn hóa, nhà họ hàng và những nơi an toàn hơn. Các lực lượng ứng trực 24/24h, tiếp tục vận động bà con chuyển đi nếu trời vẫn mưa lớn.
Riêng thôn Làng Nủ, nước lũ đẩy đất đá trên đồi tràn xuống đầu cầu khiến giao thông chia cắt, xe máy, ôtô không thể qua lại. "Mưa kéo dài khiến nước lũ tràn về, việc tìm kiếm 9 nạn nhân mất tích tạm gián đoạn do lượng bùn đất trôi về quá lớn, gây mất an toàn cho tổ máy xúc", ông Mạnh nói.
>>Phân loại cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất
Theo hệ thống cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, lúc 18h cả nước có 408 xã có nguy cơ, hầu hết ở các tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Hà Giang. Riêng Yên Bái và Lào Cai cấp độ rủi ro lũ quét sạt lở đất ở cấp hai trên thang ba cấp.
Một số huyện có nguy cơ rất cao gồm: Bảo Yên, Bắc Hà, Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn của tỉnh Lào Cai; Bắc Yên, Vân Hồ của tỉnh Sơn La; Lục Yên, Mù Cang Chải, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Trấn Yên, Văn Chấn của tỉnh Yên Bái; các huyện Bạch Thông, Ba Bể tỉnh Bắc Kạn; huyện Vị Xuyên, Quang Bình, Xín Mần của tỉnh Hà Giang.
Hôm qua, mưa lớn tại Hà Giang dẫn tới lũ quét, sạt lở đất làm ba người chết, ba người mất tích, 9 người bị thương. Trong đó, tại quốc lộ 2 đoạn qua xã Việt Vinh, khoảng 25.000 m3 đất đá tràn xuống làm sập bốn nhà dân, đẩy trôi nhiều ôtô. Đến chiều nay, lực lượng chức năng vẫn đang tìm kiếm nạn nhân, quốc lộ tại đây chưa thể lưu thông.
Hơn 22.400 ngôi nhà tại Yên Bái đã bị ngập lụt nghiêm trọng do mưa lũ sau bão Yagi. Đỉnh lũ trên sông Thao trên mức báo động ba vào ngày 10/7 (mức 3,73 m), vượt xa kỷ lục năm 1968 khoảng 1,3 m.
Gia Chính - Việt An - Hoàng Phương