Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (mã chứng khoán: YEG) khởi đầu tháng 3 không thuận lợi với thông tin về mạng lưới đa kênh SpringMe - nơi Yeah1 sở hữu gần 17% cổ phần gặp sự cố về vận hành YouTube. Cụ thể, công ty nhận thông báo từ mạng chia sẻ Video lớn nhất thế giới về việc sẽ chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung vào cuối tháng 3.
Nguyên do là YouTube cho rằng Spring Me Pte. Ltd - một công ty có trụ sở tại Thái Lan do Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93% cổ phần có hoạt động chưa phù hợp với quy trình YouTube AdSense, từ đó chấm dứt thỏa thuận với công ty này và những đơn vị liên quan.
Sau sự cố, cổ phiếu của YEG giảm sàn 3 phiên liên tiếp và giao dịch quanh mức 197.200 đồng vào hôm 6/3.
Trước nhiều tin đồn về việc Yeah1 đứng sau Momo challenge - một trào lưu đang bị tẩy chay gần đây, đại diện tập đoàn nói trong thông cáo phát đi đêm 5/3: "Chúng tôi khẳng định tất cả nội dung phía công ty quản lý không chứa Momo challenge và các nội dung độc hại".
Theo thông cáo, việc kinh doanh mạng lưới đa kênh thường xuyên phải đối mặt với những thách thức về quản lý nội dung sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn cộng đồng, tiêu chuẩn pháp luật quốc tế và pháp luật nước sở tại. Chính vì thế, khi một nội dung được đăng tải, ngoài việc quét bản quyền và tiêu chuẩn tự động của YouTube, đội ngũ nhân viên của các mạng lưới đa kênh còn phải kiểm tra các nội dung này để đảm bảo hệ thống vận hành đúng quy định.
"Việc cho phép các nội dung bẩn hoạt động trên hệ thống của mình là một hành động mà không mạng lưới đa kênh nào chủ ý thực hiện. Đó là chưa kể Yeah1 hiện đang tích cực hợp tác với các tập đoàn lớn trên thế giới như Nickelodeon, TVB, Universal Music Group... để phát hành các nội dung chất lượng cao trên hệ thống", ông Nguyễn Ngọc Hưng - CEO Yeah1 Network - Thành viên ban giám đốc Tập đoàn Yeah1 nói.
Cũng theo ông Hưng, hiện nay, YouTube MCN chỉ là một phần trong hoạt động kinh doanh kỹ thuật số của đơn vị. Trong năm 2018, YouTube MCN đến từ việc quản lý các kênh YouTube của bên thứ ba (đối tác) chỉ đóng góp 12,9% lợi nhuận sau thuế cho tập đoàn.
Vị này cho biết thêm, trong trường hợp YouTube chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA) của Yeah1, phần doanh thu chỉ ảnh hưởng đến việc quản lý các kênh của bên thứ ba chứ không ảnh hưởng đến hoạt động của các kênh YouTube tự sở hữu.
Theo đó, năm 2018, tổng doanh thu từ YouTube MCN là 309 tỷ đồng (tương đương 13,3 triệu USD), trong đó, 1,35 triệu USD từ các kênh YouTube tự sở hữu và 11,95 triệu USD từ các kênh của bên thứ ba. Biên lợi nhuận từ các kênh tự sở hữu (trên 50%) cao hơn đáng kể so với các kênh của bên thứ ba (khoảng 8%). Lợi nhuận ròng sau thuế liên quan đến việc quản lý các kênh YouTube của bên thứ ba là khoảng 1 triệu USD, tương đương 12,9% tổng lợi nhuận sau thuế.
"Với việc mua lại ScaleLab, Yeah1 trở thành một trong 3 MCN lớn nhất thế giới. Vai trò của công ty trong việc quản lý và khai thác nội dung để hỗ trợ YouTube là không nhỏ. Vì vậy, nếu thoả thuận này chấm dứt, cả hai bên đều có những thiệt hại ở mức độ khác nhau", vị này khẳng định.
Tâm Anh