Ông Yano Takeshi cho biết, Exciter 150 hiện nay ra mắt vào 2018, mới chỉ có hai năm, xe vẫn được đón nhận nên chưa đến lúc phải làm mới, những thông tin xuất hiện trên truyền thông về phiên bản 155 sắp ra mắt là tin đồn sai sự thật. Hãng này sẽ ra mắt hai mẫu xe máy mới trong năm nay, có thể là tại chương trình Expo riêng của hãng.
Vị chủ tịch Yamaha Việt Nam cũng tiết lộ hãng đang trong quá trình chuẩn bị để thâm nhập thị trường môtô phân khối lớn trong tương lai. Sở dĩ chưa phải năm nay bởi ông cho rằng dung lượng thị trường còn nhỏ. Lượng xe được gọi là môtô bán ra mỗi năm chỉ khoảng 10.000 chiếc, trong đó xe môtô phân khối lớn đúng nghĩa (khoảng 400 phân khối trở lên) chỉ khoảng 3.000 chiếc, khá khiêm tốn.
Xe Yamaha phân khối lớn hiện vẫn sản xuất ở Nhật Bản (ví dụ R6, R1) nên nếu nhập khẩu về Việt Nam giá sẽ rất cao, khó cạnh tranh với xe của Honda, Ducati nhập từ Thái Lan.
Đánh giá thị trường môtô phân khối lớn của Việt Nam tiềm năng, nhưng cũng còn nhiều bất cập, ông Yano Takeshi chỉ ra các vấn đề như bằng lái, bảo dưỡng, sửa chữa. Ví dụ: bằng lái A2 của Việt Nam cấp cho xe từ 175 phân khối trở lên, nhưng thực tế việc lái một chiếc xe 175 phân khối và 1.000 phân khối là rất khác nhau. Vậy nên vị này cho rằng cần phân cấp bằng lái chi tiết hơn nữa, ví dụ từ 400 phân khối trở lên sử dụng loại bằng khác.
Bảo dưỡng, sửa chữa cũng là vấn đề với người chơi môtô ở Việt Nam. Ông cho rằng các đại lý chính hãng rất to đẹp thì ít người vào làm xe, tay nghề thợ cũng chỉ ở mức cơ bản. Trong khi đó, cửa hàng sửa chữa bên ngoài thường được lựa chọn thì thợ không được đào tạo bài bản mà chủ yếu tự mày mò, sửa bằng kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, ông cũng chia sẻ về thị trường xe máy sau Covid-19. Doanh số được dự đoán giảm khoảng 10-15% vì nhiều người thu nhập thấp, trung bình - khách hàng chính của xe máy bị mất việc, giảm lương vì đại dịch. Cũng bởi điều này, doanh số xe số của Yamaha tăng, trong khi xe ga giảm, bởi xe số rẻ hơn.
Nguyên Khoa