Trong phân khúc supersport, giới mê phân khối lớn có thể ngồi cả ngày để bàn tán, tranh luận về những Honda CBR600RR, Yamaha YZF-R6, Suzuki GSX-R600 hay Kawasaki ZX-6R. Mỗi người có tình cảm riêng với một mẫu xe khác nhau vì thế cũng có lý lẽ riêng cho lập luận của mình. Với những ai ham mê R6, tình yêu đến từ thiết kế sắc sảo, hiếu chiến, cỗ máy "hỗn hào" đầy phiêu lưu.
Yamaha cũng như người đồng hương Kawasaki đặc biệt chú trọng đến việc thừa kế những tinh hoa công nghệ từ đường đua GP cho các mẫu xe thương mại. R6 được phát triển dựa trên cảm hứng của mẫu xe M1 mà đội đua Yamaha từng giành nhiều chiến thắng quan trọng.
Ngoại hình R6 không mang vẻ cơ bắp chắc nịch mà sắc sảo với những đường cắt, xẻ của bộ quây và đầu xe. Nếu CBR600RR mang vẻ chín chắn của một người trung niên có kinh nghiệm sống thì R6 lại có nét ngông cuồng của tuổi trẻ, lầm lì nhưng hiếu chiến, bất chấp đối thủ. Đây cũng là tiêu chí "không thỏa hiệp" (No Compromise) trong thiết kế mà kỹ sư Kunihiko Miwa, cha đẻ hai mẫu sportbike đã truyền tải khi lần đầu tiên R1 và R6 ra đời những năm 1998.
Yamaha R6 sử dụng bộ khung nhôm nhẹ DeltaBox cho cảm giác vào cua ổn định và nhẹ nhàng. Trong khi Suzuki GSX-R600 là bản thu nhỏ của Gixxer 750 thì R6 lại mang phong cách riêng, không sao chép R1, đây là đặc điểm mang lại sự thích thú và tò mò cho những người yêu môtô, không gây cảm giác nhàm chán khi "lên đời".
R1 đơn thuần tập trung vào sức mạnh động cơ thì đàn em 600 phân khối nhấn mạnh sự kết hợp hài hòa của hiệu suất máy và khung sườn DeltaBox, mang lại hiệu suất vận hành. Với YZF-R1, khối động cơ nằm bên trong sự bao bọc của khung sườn, nhưng ở YZF-R6 thì cỗ máy lại là cầu nối giữa phần khung phía trước với gắp (càng) sau.
Trong phân khúc 600 phân khối "super six" thì Yamaha R6 có dáng ngồi khó thuần hơn, bởi chiều cao yên 851 mm và tay lái hạ thấp. Người đồng hương CBR600RR dễ chịu hơn khi chiều cao yên chỉ ở mức 820 mm. R6 cũng là một trong những chiếc môtô có góc lái hẹp nhất khiến góc lấy cua khá rộng, khó khăn nếu phải di chuyển trong phố nhỏ hẹp.
Yamaha R6 sử dụng động cơ 599 phân khối 4 xi-lanh cho công suất cực đại 122 mã lực tại vòng tua máy 14.500 vòng/phút. Tổng trọng lượng 189 kg. Như vậy mỗi ngựa chỉ phải kéo 1,5 kg. So với CBR600RR, 100 mã lực và 186 kg tức tỷ lệ sẽ là mỗi ngựa kéo 1,86 kg. Hộp số 6 cấp.
Các công nghệ trên xe được mang xuống từ đường đua GP. Hệ thống điều khiển khí nạp điện tử YCC-I (Yamaha Chip Control-Intake) được sử dụng trên R6 lần đầu tiên vào năm 2008, sớm hơn hai năm là sự xuất hiện của hệ thống điều khiển hoạt động của bướm ga YCC-T (Yamaha Chip Control -Throttle).
Ống xả EXUP (Exhaust Ultimate Power Valve), hệ thống giảm xóc ống lồng phía trước có thể điều chỉnh độ cao và áp suất. Tương tự ở phía sau, để phù hợp với nhiều vóc dáng của người lái, giảm xóc monoshock có khả năng chỉnh độ cao từ trước. Phanh đĩa kép phía trước và đĩa đơn phía sau.
Khẽ nổ máy, xục tay ga, động cơ R6 lên tiếng ngân ngắn nhưng vang, rát không hoàn toàn giống sự đanh gọn các dòng xe 4 máy khác khi ở tua thấp. Có tiếng tay ga "hỗn" nhưng ở dải tốc độ dưới 120-130 km/h dường như R6 lại thể hiện điều ngược lại. Yamaha thiết kế cỗ máy cho khả năng gia tốc "lừ đừ" khi ở nước đầu, ra xe chậm nên để nài xe với tốc độ thấp sẽ khá mệt mỏi, không mượt mà như CBR600RR.
Tuy nhiên khi tốc độ ở ngưỡng 130 km/h trở lên thì R6 thành chú ngựa hoang đích thực. Khi vòng tua máy ở khoảng 9.000 vòng/phút, mô-men xoắn đạt khoảng 47 Nm là lúc R6 có độ vọt khó kiểm soát. Một nài cứng sẽ không xoắn hết ga khi mới leo lên R6 mà sau một vài khúc dạo làm quen, "vật lộn" để nắm bắt tính cách của kẻ khó bảo mới bắt đầu cho thấy kinh nghiệm chinh phục.
Nếu không quen, R6 dễ vẫy đuôi khi đột ngột tăng tốc, như muốn chồm lên và xé tan khoảng không gian phía trước. Khi đang cho xe chạy lòng vòng ở tốc độ thấp, bất ngờ kéo ga, ngước mắt nhìn đường, cúi xuống quan sát bảng đồ hồ đã thấy con số nhảy lên 100 mph (dặm/h) tương đương 160 km/h. Nếu không có cái đầu lạnh, điềm tĩnh để "vật" khối động cơ 600 phân khối khi ở dải tốc độ cao thì chú ngựa hoàng sẵn sàng phản chủ không e ngại.
Môtô cũng có tính cách như người chơi xe, mỗi người một tính, mỗi xe một "nước". Không ít anh chàng say đắm R6 bởi sự cá tính và "ngầu đời". Nếu yêu thích nhà Yamaha, hãy chắc chắn đủ kinh nghiệm, kỹ năng cầm lái và vóc dáng đủ tầm để bắt đầu cuộc chinh phục "ngựa hoang" đầy thú vị.
Đức Huy