Hội nghị môi trường dành cho giới trẻ mang tên "Actions for Earth" vừa diễn ra tại Singapore đã thu hút 450 sinh viên, học sinh đến từ 13 quốc gia, cùng đưa ra các sáng kiến, giải pháp bảo vệ môi trường.
Ban tổ chức yêu cầu các nhóm học sinh từng nước đề xuất ý tưởng bảo vệ môi trường và thuyết trình dự án của mình để tranh giải thưởng trị giá 2.500 SGD (tương đương 41 triệu đồng). Điều bất ngờ là ý tưởng thu gom vỏ hộp sữa giấy của nhóm sinh viên Việt Nam đã vượt qua các đội bạn để giành giải Nhất.
Chia sẻ về dự án của nhóm, em Đặng Minh Hằng, lớp 12 chuyên Anh, trường Trần Phú, Hải Phòng, cho biết, ý tưởng thu gom vỏ hộp sữa của em bắt đầu từ lần xem một bản tin truyền hình về một doanh nghiệp trong nước muốn tìm nguyên liệu là vỏ hộp sữa để tái chế. Doanh nghiệp này đã từng làm mái nhà cho một trường tiểu học và gặp khó khăn vì không có nguồn nguyên liệu.
Minh Hằng cho hay, tại hội nghị, khi cả nhóm Việt Nam cùng ngồi tìm kiếm dự án bảo vệ môi trường, em đã đề xuất ý tưởng này và được các bạn ủng hộ. Cả nhóm đã cùng nhau lên mạng tìm kiếm thông tin và viết dự án, làm slide đến 2 giờ đêm.
Ngày hôm sau, nhóm sắp xếp nội dung để thuyết trình ý tưởng trong vòng 1 phút theo quy định của Ban tổ chức và may mắn được lọt vào vòng 2 với thời gian thuyết trình trong 3 phút.
"Nhóm em chỉ có thời gian thảo luận trong 1 giờ trước khi vào vòng 2, đây là vòng quyết định", Hằng nói và cho hay, tính cả thời gian em đưa ra ý tưởng đến khi lập dự án và kết thúc thuyết trình chưa tới 12 tiếng.
Dự án của nhóm học sinh Việt Nam đề cập hoạt động thu gom vỏ sữa bỏ đi từ các hộ gia đình. Kinh phí dự án ban đầu chỉ là 1.800 USD thử nghiệm trong 3 tháng tại Hà Nội và TP HCM, chi phí để mua túi và phát cho từng hộ dân để đựng vỏ hộp sữa và hỗ trợ các bạn trẻ đi thu gom. Nhóm sẽ kêu gọi các tình nguyện viên đi thu gom vỏ qua mạng Facebook và phối hợp với các công ty sữa hỗ trợ như người dân giao vỏ hộp.
"Việt Nam có 1 triệu hộp sữa được tiêu thụ trong 1 tháng, nếu có truyền thông tốt thì trong tương lai chúng ta có thể tái chế được hết số lượng này", Đặng Minh Hằng nói.
Đánh giá khả năng đạt giải, Minh Hằng cho biết, dự án của nhóm được điểm cao có thể là ý tưởng đơn giản, thiết thực. Tiền giải thưởng sẽ được trích ra một phần làm từ thiện và để trang trải các hoạt động của dự án.
Là người thuyết trình dự án bằng tiếng Anh trước Ban giám khảo và hàng trăm bạn trẻ quốc tế, em Bùi Thị Ngọc Hoa, lớp 11, trường Trần Phú, chia sẻ, em thấy tự tin về ý tưởng của nhóm. Sau khi thuyết trình, có bạn yêu cầu em làm rõ tại sao vỏ hộp sữa có thể làm mái nhà. Và lý do em đưa ra là lớp bên trong vỏ hộp sữa là nhôm nên khá bền chắc, doanh nghiệp tái chế đã khẳng định mái nhà có thể bền vững đến 10 năm.
"Sau hội nghị này, em muốn đưa ra thông điệp bảo vệ môi trường, em muốn có nhiều hoạt động bảo vệ môi trường hơn cho giới trẻ. Bên cạnh đó mong muốn mọi người tin tưởng vào ý tưởng và khả năng của học sinh Việt Nam", Ngọc Hoa nói.
Trao đổi với VnExpress, ông Hugh Mason, chuyên gia tổ chức JFDI ASIA (thành viên Ban giám khảo), cho biết, ông rất ấn tượng với ý tưởng thu gom vỏ hộp sữa của nhóm học sinh Việt Nam, đây là dự án có tính thực tiễn cao, phù hợp với giới trẻ. Trên hết, ông đánh giá cao ý thức bảo vệ môi trường bằng cách tái chế các sản phẩm đã qua sử dụng của các em, rất cần thiết với các nước đang phát triển như Việt Nam.
"Một tập đoàn của Singapore đã nói với tôi họ sẵn sàng đầu tư và hỗ trợ cho nhóm học sinh này thực hiện dự án có hiệu quả, mở rộng trên khắp cả nước", ông Hugh Mason chia sẻ.
Đoàn Loan