Trao đổi với VnExpress, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, từ lâu hồ Hoàn Kiếm luôn gắn với hình ảnh rùa hồ Gươm. Do đó, ông đề xuất đưa rùa hồ Đồng Mô (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), họ hàng cùng loài để thay thế.
Có cùng quan điểm, nhưng chuyên gia động vật Vũ Ngọc Thành lo lắng: “Việc bắt được rùa hồ Đồng Mô không đơn giản vì hồ rộng, lại chỉ có một con. Ngoài ra, việc này có thể còn vướng phải sự cản trở của người dân địa phương”.
Đồng ý với phương án thay thế rùa hồ Gươm bằng cá thể cùng loài, tuy nhiên PGS Hà Đình Đức cho rằng việc tìm kiếm hiện nay rất khó khăn, bởi rùa hồ Gươm là loài hoàn toàn mới, có tên khoa học là Rafetus leloii, không cùng loài với rùa hồ Đồng Mô.
Về việc tìm hậu duệ dọc sông Hồng, ông Đức cũng cho rằng rất khó vì số lượng loài có hình dáng giống rùa hồ Gươm ngày càng ít do người dân săn bắt và điều kiện có nhiều thay đổi hơn trước.
Một nhà khoa học khác thì cho rằng, rùa hồ Đồng Mô và hồ Gươm chưa xác định là cùng loài hay không nên khó nhận được sự đồng ý của mọi người. “Tôi rất muốn lấy gene của rùa hồ Đồng Mô để xác định và so sánh, nhưng việc đó là ngoài ý muốn vì gặp khó khăn trong việc quây bắt”, vị chuyên gia cho hay.
Cho rằng rùa hồ Gươm chết do ô nhiễm, ông Đoàn Văn Thịnh, quản lý hoạt động nuôi trồng khai thác thủy sản hồ Đồng Mô (Công ty TNHH MTV làng văn hóa) cho rằng nếu đưa rùa hồ Đồng Mô về hồ Gươm “chắc chắn rùa Đồng Mô không tồn tại được” do nước ô nhiễm.
Hơn thế, việc bắt rùa Đồng Mô cũng là vấn đề nan giải. “Hồ Gươm diện tích nhỏ, nước nông, địa hình thuận lợi nên có thể dễ dàng bắt rùa. Nhưng diện tích mặt nước hồ Đồng Mô rộng cả nghìn ha, có chỗ sâu 20 m, nhiều hốc đá rộng hàng trăm mét”, ông Thịnh nói.
Người đàn ông hơn 20 năm gắn bó với hồ Đồng Mô cho biết, đơn vị bảo tồn rùa nói có một cá thể trong hồ nhưng từ thực tế quan sát ông khẳng định có 3 cá thể rùa với trọng lượng khoảng 100 kg. Bởi nhiều lần ông và công nhân đã trông thấy rùa nổi cùng lúc ở các điểm khác nhau.
Theo ông Thịnh, hồ Đồng Mô thuộc làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, nên việc để rùa sống ở hồ cũng hợp tình hợp lý, mang giá trị văn hóa tinh thần chung cho cả nước, không nhất thiết phải chuyển xuống hồ Gươm.
Trước đó, trao đổi với VnExpress, đại diện Chương trình bảo tồn rùa châu Á thế giới (Asia Turtle Propram - ATP) ghi nhận còn 4 con rùa Hoàn Kiếm (tên khoa học là Rafetus swinhoei). Trong đó, ở Việt Nam có hai cá thể, một sống ở hồ Gươm và một ở hồ Đồng Mô, hai con còn lại ở Trung Quốc.
ATP cho rằng, rùa hồ Gươm và rùa ở hồ Đồng Mô cùng loài và có thể lai tạo giống. Thậm chí có lần tổ chức này đưa ra đề xuất được cho là giải pháp cuối cùng khi nghĩ đến chuyện ghép đôi sinh sản rùa ở Đồng Mô với rùa Trung Quốc, để bảo tồn loài rùa này trước nguy cơ tuyệt chủng.
Ngày 19/1, người dân phát hiện rùa hồ Gươm chết và báo chính quyền. Các cơ quan chức năng đã di chuyển xác rùa vào khuôn viên đền Ngọc Sơn. Sau cuộc họp khẩn tối cùng ngày, thành phố Hà Nội đã quyết định chuyển xác rùa về Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam để nghiên cứu và bảo quản lâu dài. |
Võ Hải - Phạm Hương