Người gửi: Ken Le
Gởi toàn soạn,
Thấy các bạn tranh luận vấn đề năng lượng nên tôi cũng muốn góp ý.
Trước hết tôi xin phản hồi ý kiến của bạn Robeo Damila cho rằng nhiều bạn khác không thông hiểu khoa học. Thật ra ý tưởng của bạn không dùng con lăn trên mặt đường mà dùng những thanh đòn bẩy cũng có vấn đề bảo toàn năng lượng. Những xe chạy qua thanh đòn bẩy sẽ phải tốn hao năng lượng hơn là chạy trên đừờng phẳng. Tóm lại ý tưởng của bạn Robeo Damila có thể thực hiện được ở những đoạn đường mà người ta cần xe cộ chậm lại một cách có chủ ý mà thôi. Giống như những đoạn đường trong parking lot hay gần trường học cần xe cộ đi chậm lại cho an toàn.
Còn vấn đề Human Power có thể làm được ở những khu dân cư đô thị mới bằng cách thiết kế sân chơi cho trẻ em và phòng tập cho người lớn dùng sức người để tạo ra điện. Về mặt kỹ thuật thì không khó để thiết kế những con ngựa cưỡi, xích đu, vòng xoay tròn cho trẻ em phát điện. Tương tự cho những máy đạp chân hay kéo tay trong phòng tập thể dục.
Và dễ dàng và thiết thực hơn hết là nước ta có hệ thống đường sá dành cho xe 2 bánh. Human power bằng xe đạp là giải pháp tốt nhất và dễ thực hiện. Nó vừa tốt cho sức khỏe, không tốn tiền xăng, không thải bụi và khói độc, không gây ồn. Tiếc rằng với nhịp sống hiện đại thì người nào cũng muốn đi xế nổ cho sang. Vấn đề duy nhất của giải pháp này là ý thức và nhận thức của người dân.
Người gửi: Leo Nguyễn
Bạn Robeo Damila đã chỉ trích những bạn đọc khác nhưng lại đưa ra một mô hình hoàn toàn vô ích. Cái "gờ" mà bạn sẽ làm trên mặt đường như vậy thì không khác gì những gờ đường hoặc ổ gà do mặt đường kém chất lượng. Công sinh ra từ cái "gờ" ấy có thể sản xuất ra được một chút điện năng nhưng sẽ rất tốn kém khi xây dựng. Chưa kể là sự thoải mái khi điều khiển xe trên đường này sẽ giảm đáng kể, và các bộ phận của xe cũng hỏng nhanh hơn do xung động gây ra. Như vậy, tính cho cùng thì chúng ta sẽ mất nhiều hơn là được.
Hiện nay trên thế giới, một cách tiết kiệm/chế tạo năng lượng hữu ích nhất là lợi dụng động năng "bắt buộc". Tức là dạng động năng mà chúng ta không thể cắt giảm được. Ví dụ sự rung động của phương tiện giao thông (xe cộ, tàu, máy bay...), hoặc vận động của cơ thể người hay động vật. Quân đội Mỹ đã bắt đầu áp dụng nguyên liệu áp điện trong giày binh lính để cung cấp điện cho bộ đàm. Rung động trên xe hơi là điều không tránh khỏi vì điều kiện măt đường và động cơ đốt trong. Nếu mô hình nào đó có thể vừa sử dụng nguồn rung động này để phát điện vừa làm giảm rung thì sẽ rất có tiềm năng. Và tất nhiên chúng ta phải so sánh giữa lợi ích và phí tổn trước khi thực hiện mô hình đó.
Người gửi: Bùi Tú
Bạn Robeo Damila lại ngộ nhận về cơ chế lấy năng lượng rồi. Năng lượng thu được từ việc đặt cơ chế "máy khâu" của bạn trên đường cũng do năng lượng do sức nặng các phương tiện đi qua. Mà năng lượng đẩy sức các phương tiện qua là nhờ xăng. Cuối cùng xăng ngoài việc đẩy phương tiện đi còn tốn công đẩy cái máy khâu của bạn. Cho nên cuối cùng vẫn là công cốc thôi.
Mời bạn chia sẻ các ý tưởng mới của mình về khoahoc@vnexpress.net.