Trong vòng tiền hạt giống (pre-seed), Marathon nhận được đầu tư từ Forge Ventures, Venturra Discovery, iSeed, cùng với sự tham gia của các nhà đầu tư thiên thần dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ.
Với nguồn vốn này, startup công nghệ giáo dục (Edtech) trên sẽ thí điểm dạy thêm các môn Toán, Lý, Hóa cho khối lớp 6-12, với 1-2 nhóm giáo viên và học sinh vào quý IV/2021. Sau đó, họ sẽ giới thiệu các khóa học trên diện rộng vào đầu năm 2022, bên cạnh việc mở rộng ra các môn học chính khóa và ngoại khóa như lập trình, mỹ thuật...
Marathon được thành lập bởi Phạm Đức và Trần Việt Tùng. Đức là cựu chuyên viên quản lý đầu tư tại quỹ đầu tư TPG Capital. Ở TPG, anh có kinh nghiệm các lĩnh vực như tài chính, tiêu dùng, công nghệ và dành nhiều thời gian nhất ở lĩnh vực giáo dục phổ thông từ lớp 1 đến 12.
Sự trỗi dậy của EdTech ở trong khu vực với các tên tuổi như Ruangguru, Topica và Zenius cùng nhu cầu cao của phụ huynh Việt Nam cho các sản phẩm giáo dục chất lượng cao đã tạo động lực để anh khởi nghiệp.
Trong khi đó, Trần Việt Tùng từng là đồng sáng lập Triip.Me và Christina’s, nơi anh và đồng nghiệp đã mở rộng quy mô hoạt động lên 8 thành phố trong thời gian ngắn. Cả hai nhà sáng lập có nhiều trải nghiệm giống nhau khi lớn lên ở Hà Nội, đều đã dành nhiều năm học chương trình phổ thông trước khi đi du học và cùng có nhiều trải nghiệm chưa tốt khi đi học thêm.
Họ đánh giá dù đã nhiều năm trôi qua, trải nghiệm học thêm ngày trước dường như vẫn chưa thay đổi. Theo Marathon, hiện phần lớn 18 triệu học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn dựa vào việc học thêm để bổ sung kiến thức, cải thiện điểm số trong kỳ và đạt điểm cao trong các kỳ thi chuyển cấp và đại học. Tuy nhiên, thị trường học thêm trực tiếp vẫn phân mảnh, với hầu hết là các trung tâm quy mô nhỏ hay lớp tại gia của giáo viên, với chất lượng giảng dạy và vật chất khác nhau.
Một số thách thức khác cho người học và người dạy như các trung tâm thường gặp vấn đề về lớp quá đông, thời khóa biểu không linh hoạt. Các giáo viên thì phải mất nhiều thời gian cho khâu kinh doanh như tuyển sinh, tiếp thị, thu chi và liên lạc với phụ huynh.
Ngoài ra, học trực tiếp, thầy cô còn phải quản lý mặt bằng. Với học trực tuyến, họ phải làm quen với nhiều công cụ mới, tự xây dựng bài giảng lại từ đầu, tự xử lý lỗi kỹ thuật. Thêm nữa, do các thầy cô chỉ thu hút học sinh đã học qua lớp của họ, hay đang ở cùng thành phố, thu nhập cũng có giới hạn.
Đáng chú ý, trong năm 2020 và 2021, giãn cách xã hội do Covid-19 khiến các lớp học thêm trực tiếp phải đóng cửa, làm ảnh hưởng đến việc dạy thêm và học thêm. Những tiền đề này đưa Đức và Tùng quyết định khởi nghiệp công nghệ giáo dục.
Theo ông Raditya Pramana, Giám đốc quỹ Venturra, tuy chất lượng giáo dục ở Việt Nam hiện cao hơn các nước khác tại Đông Nam Á, nhưng đa phần học sinh vẫn không có cơ hội được học thêm với các giáo viên tốt nhất cả nước.
"Chúng tôi tin vào tầm nhìn của Marathon – rằng bằng cách dùng công nghệ để kết nối giáo viên và học sinh, chúng ta có thể đưa các sản phẩm giáo dục với chi phí vừa phải tới cả nước", ông Raditya Praman nói.
Trong mô hình của Marathon, họ cho biết sẽ tuyển chọn kỹ giáo viên đầu vào với kinh nghiệm trên 10 năm, khả năng cải thiện kết quả học tập dựa trên điểm số thi của các lớp học sinh cũ và hiệu quả truyền đạt bài giảng.
Đi kèm với giáo viên, họ tuyển thêm đội ngũ trợ giảng để theo sát học sinh trong quá trình học. Startup cho rằng việc dạy trực tuyến có thể giúp học sinh dễ dàng tiếp thu hơn so với các mô hình video bài giảng quay sẵn, vốn phụ thuộc nhiều vào khả năng tự học của học sinh.
Các buổi học sẽ bao gồm phiên "lecture" (bài giảng trực tuyến) được dạy bởi giáo viên chính và các phiên "break-out"(chia nhóm) – nơi học sinh có thể chia nhóm và đặt câu hỏi trực tiếp với trợ giảng để đảm bảo theo kịp chương trình, đồng thời đảm bảo tính tương tác trong học tập.
Theo Đức và Tùng, với việc nền tảng đảm nhận xử lý tất cả công đoạn vận hành, giáo viên có thể tập trung vào nâng cao chất lượng giảng dạy và tiếp cận nhiều học sinh hơn. Từ đó, có thể nhận mức thu nhập cao hơn dù số lượng ca dạy và thời gian làm việc ngắn đi.
Ông Kaspar Hidayat, Giám đốc quỹ Forge Ventures cho rằng, những giáo viên dạy thêm tốt nhất thường đã chứng minh được khả năng mang lại kết quả học tập tốt cho học viên, nhưng họ chỉ dạy được quy mô nhỏ ở lớp offline. "Chúng tôi tin rằng với kinh nghiệm hoạt động trong giáo dục và công nghệ, Marathon sẽ giúp những giáo viên này chạm tới hàng nghìn học sinh mọi miền, mà không ảnh hưởng tới chất lượng học", ông đánh giá.
Trong khi đó, ông Wing Vasiksiri, Giám đốc iSeed SEA cho biết quỹ này có rất nhiều hy vọng về tiềm năng của thị trường EdTech ở Việt Nam, do nền văn hóa chú trọng vào giáo dục và dân số trẻ. "Covid-19 cũng đã thay đổi mô hình học trên toàn thế giới từ offline lên online; cách tiếp cận của Marathon nằm giữa những nhân tố đó và lần đầu tiên cho phép thị trường đại chúng cả nước tiếp cận được những giáo viên dạy giỏi", ông nói.
Viễn Thông