Cần Thơ bốn ngày qua, số ca nhiễm ghi nhận hàng ngày trung bình hơn 200; Đồng Tháp 14 ngày qua số ca nhiễm mới liên tục tăng, so với hai tuần trước tăng đến 281%. Ở Kiên Giang tình hình cũng tương tự, số ca nhiễm nửa tháng qua tăng 289% so hai tuần trước, trung bình 291 đến 478 ca mỗi ngày. Số ca nhiễm ở Bạc Liêu hiện hơn 6.000 ca Covid-19, tăng hơn 12 lần so với đầu tháng 10.
Lượng người từ vùng có dịch như TP HCM, Bình Dương... về đồng bằng sông Cửu Long vào đầu tháng 10 - thời điểm bắt đầu mở cửa, nới giãn cách xã hội - đến nay quá đông, được cho là nguyên nhân chính khiến nhiều tỉnh miền Tây tăng số ca nhiễm. Áp lực điều trị F0, cách ly F1, điều tra dịch tễ, truy vết, xét nghiệm... đè nặng lên hệ thống y tế ở khu vực lâu nay được xem như còn yếu và thiếu.
"Hiện công tác điều trị, truy vết dịch trở nên quá tải, chúng tôi đã báo cáo Thành ủy xin bổ sung thêm lực lượng từ quân đội, sinh viên ngành y dược năm cuối, để bổ sung thêm nguồn lực cho các trạm y tế lưu động, giảm bớt gánh nặng cho y tế cơ sở", ông Phạm Phú Trường Giang (Phó giám đốc Sở Y tế Cần Thơ) nói.
Cần Thơ đang điều trị khoảng 3.000 F0, chưa triển khai điều trị tại nhà. Từ ngày 11/11 Cần Thơ đã nâng cấp độ dịch lên mức 3 (vùng cam, nguy cơ cao), hiện kích hoạt lại bệnh viện đã chiến số 6 quy mô 600 giường và chuyển công năng Trung tâm y tế huyện Phong Điền thành bệnh viện điều trị Covid-19 với 150 giường. Như vậy, ngành y tế Cần Thơ có khả năng tiếp nhận điều trị 3.500 F0.
Cần Thơ đang gặp khó về nhân lực y tế. Tỉnh có khoảng 6.000 nhân lực y tế, trong đó khoảng 3.000 y bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19, khoảng 2.000 làm các công tác thông thường, số còn lại tham gia truy vết dịch tễ. Thành phố có 83 xã, phường thị trấn. Mỗi đơn vị có một trạm y tế xã với 5-7 nhân sự. Nếu F0 điều trị tại nhà (Sở Y tế đang trình kế hoạch cho UBND thành phố), ước tính Cần Thơ cần thêm 300-400 y bác sĩ.
Trạm Y tế phường Tân An có thể là nơi thí điểm điều trị F0 tại nhà. Trạm có 8 nhân sự gồm một bác sĩ đa khoa, một bác sĩ y học dân tộc, còn lại là y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, làm từ khám chữa bệnh thông thường cho người dân đến tham gia truy vết, quản lý các khu vực phong tỏa, chốt kiểm soát (khi giãn cách xã hội), lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức tiêm phòng cho dân... Khối lượng công việc trong thời gian dịch tăng gấp 10 lần so với bình thường.
"Sắp tới thí điểm điều trị F0 và cách ly F1 tại nhà thì khối lượng công việc còn nặng nề hơn. Khi đó, chúng tôi cần tăng cường nhân lực, vật tư y tế, thuốc men, máy thở và nhất thiết phải có tổ y tế lưu động...", bác sĩ Bùi Hồng Mai, 37 tuổi, Trưởng Trạm Y tế phường Tân An, nói.
Ông Trần Văn Hai (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp), cũng cho biết mỗi trạm y tế có một đến hai bác sĩ, hiện tại đều quá tải. Đồng Tháp có 17 cơ sở điều trị Covid-19, với 3.315 giường. 65 cơ sở cách ly ở các địa phương, tối đa tiếp nhận 9.900 người. Tỉnh huy động 360 bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp điều trị F0.
Trạm y tế xã Phú Thuận A, ở cù lao thuộc huyện biên giới Hồng Ngự, có 9 nhân sự gồm một bác sĩ chuyên khoa, 6 y sĩ, một nữ hộ sinh và một dược sĩ. Thời điểm dịch căng thẳng, toàn bộ nhân sự trạm "3 tại chỗ", cả tháng không về nhà.
"Áp lực nhất là từ đầu tháng 10 khi dòng người hồi hương lớn, toàn xã có khoảng 500 người về. Mới đây, trạm được bổ sung máy tạo oxy nhưng khuôn viên trạm khá hẹp, người đến khám bệnh và sàng lọc Covid-19 đông khó đảm bảo giãn cách", Trưởng trạm, bác sĩ Nguyễn Văn Đông nói.
Cách Hồng Ngự hơn 60 km, y sĩ Trần Đức Phúc, Trạm y tế xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, chia sẻ gần 5 tháng qua chưa biết đến ngày thứ 7, chủ nhật. Lượng công việc cho 20 người nhưng chỉ 7 y bác sĩ gồng gánh.
"Đỉnh điểm, 2 nhân viên y tế phải đi cách ly, trạm xá còn 5 người trong khi tổ chức 2 điểm tiêm cho gần 600 người. Chúng tôi không thể xoay trở phải nhờ chi viện từ trung tâm y tế về khám bệnh cho người dân", anh Phúc cho biết.
Ở Kiên Giang, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Văn Phúc, phần việc của họ đang tăng gấp 4-5 lần dẫn đến quá tải, có lúc phải vận động y bác sĩ về hưu "phụ một tay". Một số trưởng trạm, y sĩ ban đầu định xin nghỉ việc vì quá áp lực, không thể chống đỡ, "sau đó vẫn tiếp tục sứ mệnh vì hiểu giai đoạn này toàn ngành ai cũng kiệt sức".
Hiện ngành y tế Kiên Giang có 7.000 nhân sự, thiếu gần 1.500 người. Tỉnh mở liên tục 4 bệnh viện với 1.100 giường bệnh, chưa kể một số bệnh viện còn tăng công suất giường nhưng y bác sĩ không thêm người nào, thậm chí còn bị yêu cầu cắt giảm biên chế.
Sóc Trăng và Bạc Liêu nhận được sự chi viện từ các bệnh viện ở TP HCM nên "dễ thở" hơn. Ông Trần Văn Khải (Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng) nhận định tình hình dịch tại địa phương đang rất phức tạp. Ngành y tế Sóc Trăng có khả năng tiếp nhận điều trị khoảng 4.500 F0. Tầng 3 hiện điều trị 20 ca nặng, trong khả năng tối đa là 60 giường.
"Chúng tôi đang triển khai cách ly điều trị F0, F1 tại nhà và thành lập các trạm y tế lưu động. Các tuyến y tế từ xã, huyện, tỉnh đều phải tập trung tối đa chống dịch", ông Khải nói. Hiện Sóc Trăng được Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM hỗ trợ điều trị F0; Quân khu và Trường Đại học Y dược Cần Thơ hỗ trợ 300 y bác sĩ, sinh viên triển khai tiêm vaccine cho người dân.
Bạc Liêu nâng khả năng tiếp nhận điều trị F0 từ 2.000 lên hơn 7.500 giường. "Mấy ngày qua thực hiện đồng loạt biện pháp phòng chống, các ổ dịch lớn trong cộng đồng được kiểm soát", ông Bùi Quốc Nam (Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu) nói. Tỉnh được khoảng 70 y bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP HCM) và Quân khu 9 chi viện, "nếu không thì tình trạng quá tải sẽ gay gắt", theo ông Nam.
Bạc Liêu thực hiện cách ly F1 tại nhà, tập trung tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân, để sớm đạt miễn dịch cộng đồng và thí điểm điều trị F0 tại nhà...
Cửu Long - Ngọc Tài