Nhận định trên được Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói tại buổi tiếp xúc trực tuyến 140 cử tri ngành y tế của đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố sáng 9/10. Hội nghị do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì đầu cầu Hà Nội và Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi chủ trì đầu thành phố.
Theo ông Châu, mạng lưới y tế cơ sở là tuyến đầu, làm nhiệm vụ "gác cổng", nơi đầu tiên người dân tiếp cận khi ốm đau, khi dịch bệnh, là tuyến gần dân nhất có nhiệm vụ quản lý, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tuy nhiên, trước những diễn tiến Covid-19 vừa qua, hệ thống y tế cơ sở bộc lộ nhiều điểm yếu và cần sớm bổ sung chính sách nâng cao năng lực.
"Hệ thống y tế cộng đồng từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật đến Trung tâm y tế quận huyện, trạm y tế phường xã trong điều trị còn nhiều yếu kém về nhân lực lẫn cấu trúc tổ chức, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị", ông Châu nói.
Trước thực trạng đó, để phát huy hiệu quả hệ thống y tế cơ sở, lãnh đạo Sở Y tế thành phố kiến nghị giao chỉ tiêu số lượng người làm việc cho trạm y tế theo quy mô dân số tại phường, xã, thị trấn và tính đặc thù của địa bàn. Mục tiêu của việc này là đảm bảo đủ nhân lực chăm sóc, khám chữa bệnh ban đầu, quản lý sức khoẻ người dân và phòng chống dịch bệnh tại địa phương.
Ngành y tế thành phố cũng kiến nghị có chính sách thu hút nhân lực làm việc tại y tế cơ sở như: tăng lương khởi điểm; tạo điều kiện cho nhân viên công tác tối thiểu ở y tế cơ sở 5 nam được chọn nhiệm sở khác để phát triển chuyên môn...
Ông Châu cũng đề nghị thành phố cần có chính sách thu hút nhân lực có chuyên môn từ những nguồn khác (y tế tư nhân, nhân viên y tế nghỉ hưu, lực lượng tình nguyện viên từ các sinh viên các trường đại học, cao đẳng thuộc ngành sức khỏe...); có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực (nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao...) khẩn cấp cho mô hình trạm y tế lưu động để ứng phó kịp thời khi dịch bệnh bùng phát hoặc thiên tai thảm hoạ.
Ngoài ra, thực tiễn chống dịch lần này cho thấy Trung tâm y tế là bộ phận thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận huyện. Đây còn là đơn vị nòng cốt của quận, huyện chỉ đạo, giám sát hoạt động chuyên môn của Trạm y tế trong chăm sóc, quản lý sức khoẻ người dân tại địa phương.
"Vì vậy, mô hình UBND quận huyện quản lý toàn diện y tế địa phương sẽ phù hợp và Sở Y tế đóng vai trò quản lý về chuyên môn, chịu trách nhiệm điều phối nhân lực quản lý", ông Châu nói.
Đồng quan điểm, bác sĩ Lê Trường Giang, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Hội y tế công cộng TP HCM cho rằng, đợt dịch thứ tư đã bộc lộ những điểm yếu kém của các trạm y tế phường xã, thị trấn.
Theo ông Giang, trạm y tế ngoài nhiệm vụ phòng chống dịch, còn thực hiện khám chữa bệnh thông thường, cấp cứu và vận chuyển cấp cứu. Vì vậy, các trạm y tế này cần được đầu tư, tổ chức để người dân có niềm tin đến điều trị. Hiện, các trạm y tế phường xã tại thành phố thiếu cán bộ y tế về số lượng và chất lượng.
Chủ tịch Hội Y Tế công cộng TP HCM cho biết thêm, hiện thành phố bố trí cán bộ y tế địa phương ở mức 2,3 biên chế trên 10.000 dân, thấp hơn trung bình cả nước là 7,4 biên chế và Hà Nội là 6,1 biên chế. Vì vậy, thành phố cần tăng nhân sự cho trạm y tế phường xã ở mức 2.000-4.000 dân cho một biên chế; đảm bảo việc tăng thu nhập và thăng tiến nghề nghiệp cho cán bộ y tế địa phương.
Đến ngày 8/10, TP HCM ghi nhận 407.399 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư. Hơn 20.000 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện, 30.000 F0 đang cách ly tại nhà. Đợt dịch vừa qua khiến 15.000 người ở thành phố tử vong.
Hữu Công