Ông Võ Hồng Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc, hôm 16/10 cho hay hơn 10 ngày nay lụt do mưa lớn chưa rút thì bão số 7 kéo tới, thêm bốn nhà máy thủy điện thượng nguồn đồng loạt xả nước điều tiết khiến vùng hạ du như Đại Lộc ngập nặng hơn. Giao thông chia cắt nghiêm trọng, hàng nghìn hộ dân bị cô lập.
"Dòng lũ lớn, chảy xiết suốt ngày đêm gây khó khăn trong tình huống cần tiếp cận, vận chuyển cấp cứu. Chúng tôi có ca nô nhưng quá nhỏ để vận chuyển an toàn", ông Hải cho biết.
Một sản phụ ở xã Đại Lãnh, mang thai con đầu lòng, trở dạ đúng lúc lũ về. Thai lớn, sản phụ khó sinh thường, phải đẻ mổ, cơ sở y tế tại chỗ không đủ điều kiện đáp ứng, buộc phải chuyển đến Bệnh viện đa khoa Khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam cách đó hơn 20 km. Hàng chục người, bằng nhiều phương tiện như phà máy, ôtô, canô, cùng sự hỗ trợ mới đưa sản phụ đến viện an toàn.
Ông Hải cũng cho biết, không chỉ y tế mà nhiều hoạt động cứu trợ, vệ sinh môi trường cũng gặp khó. Ngập sâu dài ngày nên tình trạng ô nhiễm do hệ thống nước thải, hố ga, nhà vệ sinh, rác thải sinh hoạt, xác động thực vật... nghiêm trọng và khó có thể xử lý ngay.
"Bắt buộc phải chờ lũ rút mới tiến hành xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh toàn diện được", ông Hải nói.
Tại TP Hội An vùng cửa sông ven biển, ngày 16/10 nước lũ đã rút gần hết, chỉ còn một số ngõ hẻm trũng còn úng ngập nhẹ. Trước đó, nhiều tuyến đường ngập nặng, sâu nhất là tuyến phố cổ nằm ven sông Hoài, nước cao trên nửa mét. Năm chợ Hội An, Cẩm Kim, Cẩm Châu, Thanh Hà, Viên Giác và 15 trường học chìm trong biển nước.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Hội An thông tin, từ ngày 13/10, khi lũ bắt đầu rút, ngành y tế cùng cơ quan chức năng và người dân tiến hành kế hoạch khắc phục hậu quả theo phương châm "nước rút tới đâu, dọn ngay tới đó". Trong ba ngày, 350 tấn rác thải trên các sông ngòi, kênh rạch, đường sá được thu gom, lượng bùn đất được xử lý tối đa.
Ngành y tế đang tổ chức lực lượng chuẩn bị phun hóa chất tiêu độc, khử trùng tại tất cả các khu vực dân cư, địa điểm công cộng ngập lụt trên địa bàn thì bão số 7 vào, mưa xối xả. Hoạt động khử trùng tiêu độc phải tạm thời ngừng lại, đợi hết mưa nước rút mới có thể triển khai tiếp.
"Dự kiến chúng tôi sẽ mất khoảng 5 ngày để hoàn thành nhiệm vụ này", bà Ngọc Anh cho hay.
Ở vùng này, người dân sử dụng chủ yếu là nước máy và giếng khoan, không dùng nước giếng khơi nên không xảy ra tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt. Với số ít hộ có giếng khơi, Trung tâm y tế đã phát cloramin B đến tận trạm xá, người dân có nhu cầu sẽ được cấp phát miễn phí và hướng dẫn sử dụng chi tiết.
Lãnh đạo y tế khẳng định dự trữ đủ thuốc thang, vật tư y tế, trang thiết bị để phục vụ tại chỗ cho người dân nếu địa bàn bị mưa lũ chia cắt kéo dài. Cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền người dân ăn chín uống sôi, hạn chế ăn các loại rau sống, ngủ trong màn, lau dọn khử trùng nhà thường xuyên để không bùng dịch đau mắt, tiêu chảy, viêm da, sốt xuất huyết, tay chân miệng... Ở Đại Lộc, trước lũ có vài ca sốt xuất huyết song đã được khoanh vùng, kiểm soát. Hội An chưa ghi nhận ca bệnh chân tay miệng, sốt xuất huyết nào.
Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam dự báo từ chiều 16/10 đến 18/10 địa bàn tiếp tục mưa to 300-400 mm, có nơi trên 500 mm. Các huyện Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My và Tiên Phước nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Các vùng trũng thấp huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An và Tam Kỳ dễ xảy ra tình trạng ngập lụt sâu diện rộng.
Thư Anh