Khi một bệnh nhân sắp qua đời, nằm một mình trong phòng cách ly, nhân viên bệnh viện sẽ sắp xếp cuộc gọi điện thoại video để họ vĩnh biệt người thân.
Về nhà sau ca làm đêm dài 17 tiếng, Tannis, 40 tuổi, xem lại cuộc trò chuyện với một phụ nữ trong phòng bệnh, người không thể nhìn thấy mẹ mình qua đời vài phút trước đó ở ngay phòng bên cạnh.
"Tôi biết nói gì với mẹ đây", cô con gái hỏi Tannis nhưng nữ y tá cũng không thể đưa ra lời khuyên. Cuối cùng, cô gái chỉ lặp đi lặp lại câu "mẹ ơi, con yêu mẹ".
"Bình thường, người nhà có thể ở cạnh lúc bệnh nhân lâm chung", Tannis nói. Cô đã làm y tá gần 20 năm. "Điều đáng sợ nhất, buồn bã nhất, là bây giờ họ không thể. Họ không được phép làm điều đó. Đây là điều khiến chúng ta đau đớn nhất".
Những bi kịch tương tự trước đây hiếm khi xảy ra ở thành phố New York nhưng bây giờ, khi Covid-19 bùng phát, chúng xảy ra hàng ngày, không chỉ ở Brookdale mà còn ở khắp các bệnh viện trong thành phố.
Số ca nhiễm nCoV ở New York, tâm chấn dịch Covid-19 của Mỹ, khiến người ta nghẹn lời. Khoảng 46.000 người xét nghiệm dương tính, chiếm 1/20 số ca nhiễm toàn thế giới, hay 20% số ca nhiễm ở Mỹ. Cả nước Anh cũng chỉ có 34.000 ca.
Hơn một tháng trước, số nhiễm chỉ là 0. Số người nhiễm tăng vọt gây áp lực lên hệ thống y tế của thành phố và con số này dự đoán sẽ tăng cao ít nhất một, hai tuần nữa.
Telegraph đã phỏng vấn 10 nhân viên y tế làm việc trên tuyến đầu chống Covid-19. Họ làm việc trong phòng chăm sóc đặc biệt, phòng cấp cứu, xe cứu thương. Báo cũng phỏng vấn lãnh đạo bệnh viện, công đoàn, quan chức thành phố New York. Tất cả đều cho thấy bức tranh về khó khăn của hệ thống y tế. Các bệnh viện đang chật vật để đương đầu với thử thách chưa từng có, y bác sĩ lo lắng về an toàn tính mạng bản thân, cũng như cú sốc về số ca tử vong lan rộng tới hơn 1.300 người ở New York.
"Người ta đang hấp hối, khắp nơi đều có", một người chăm sóc bệnh nhân nói. "Ngày nào tôi cũng hy vọng số người chết ít hơn hôm qua", một y tá bày tỏ. Còn một nhân viên y tế khác cho hay "khung cảnh như chiến trường".
Đa số lời bất mãn đều nhất quán, còn vấn đề làm dấy lên sự thất vọng đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump là thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang, tấm chắn giọt bắn và găng tay.
Sự thiếu hụt khẩu trang N95 được nhắc đi nhắc lại. Thông thường, khi sử dụng khẩu trang trong cứu chữa bệnh có nguy cơ lây nhiễm, họ sẽ vứt đi sau mỗi lần sử dụng. Tuy nhiên, nhiều nhân viên y tế New York cho hay họ phải sử dụng một chiếc mặt nạ y tế trong ít nhất một tuần. Một số bệnh viện thậm chí còn có bàn để hàng tá túi giấy màu nâu đề tên từng y bác sĩ, dùng để đựng khẩu trang qua đêm.
Đồ bảo hộ cũng thiếu. Cuối tháng trước, khi bức ảnh ba nhân viên bệnh viện Mount Sinai West mặc túi đựng rác trong lúc làm việc xuất hiện, nó lập tức thành thông tin gây chú ý báo chí, dù bệnh viện giải thích bên trong họ có mặc đồ bảo hộ thích hợp.
Tuy nhiên, một y tá làm việc tại đó cho hay nỗi lo thiếu vật tư y tế là có thật. "Chúng tôi rất hoang mang", cô nói. "Tôi không biết chúng tôi phải làm gì hoặc nói gì để họ tin tưởng, để họ nghe thấy tiếng kêu cứu của chúng tôi".
Một nỗi lo khác cũng nổi lên. Trước đây, máy trợ thở, loại dùng cho bệnh nhân nguy kịch chưa bao giờ được sử dụng cùng lúc cho nhiều người thì nay, ở một số bệnh viện, hai tới ba bệnh nhân phải chia nhau dùng.
Mỗi bệnh viện ở New York được yêu cầu tăng số giường bệnh lên 50%. Mọi nơi, từ những tòa nhà cao tầng ở phố Wall tới các khách sạn ở quận Manhattan hay trung tâm quần vợt Mỹ Mở rộng, đều được chuyển thành bệnh viện dã chiến.
Tuy nhiên, số lượng nhân viên y tế không tăng, nghĩa là họ phải đảm nhiệm nhiều công việc xa lạ, cố gắng đối phó với một đại dịch mà ít người hiểu biết về nó.
"Mọi việc thật tồi tệ", một y tá nhi khoa ở trung tâm y tế NYU, người được điều động sang chống Covid-19 cho hay. "Bạn phải làm việc ở một nơi xa lạ nên không biết bắt đầu từ đâu. Bạn không quen y bác sĩ ở đó".
Cuộc gọi khẩn tới đường dây khẩn cấp 911 tăng đột biến, hơn 6.500 cuộc một ngày, gấp ba lần ngày thường, giống tình hình xảy ra sau vụ khủng bố 11/9/2001.
Covid-10 cũng làm tăng gánh nặng lên lực lượng phản ứng khẩn cấp. Khoảng 20% nhân viên phải nghỉ làm, tăng 6% so với bình thường, nghĩa là thời gian chờ đợi xe cứu thương tăng lên.
Michael Greco, nhân viên y tế làm việc ở Queens 13 năm nay kiêm chủ tịch công đoàn Local 2507, cho hay hàng trăm xe cứu thương đã được điều động từ những nơi khác trong bang để đáp ứng nhu cầu của thành phố New York, lính cứu hỏa cũng kiêm luôn lái xe.
Greco nhớ mãi một trường hợp ở bệnh viện Harlem. Trong bệnh viện thiếu chỗ tới nỗi một bác sĩ phải ra ngoài điều trị cho bệnh nhân nhiễm nCoV trên xe cứu thương. Dù cố gắng hồi sức nhưng người này vẫn chết mà chưa được đưa vào phòng bệnh.
"Trong 13 năm làm nghề, tôi chưa từng chứng kiến điều tương tự", Greco nói. "Chúng tôi đã trải qua nhiều trận bão tuyết, lốc xoáy, siêu bão Sandy. Tuy nhiên, những khó khăn đó đều chỉ trong thời gian nhất định. Còn Covid-19 mới có hai tuần".
Chính quyền New York đã sắp xếp 45 xe tải đông lạnh ngoài các bệnh viện. Lần gần nhất cảnh tượng này xuất hiện là sau thảm họa 11/9. Xe lạnh dùng để trữ xác. Nhà xác thành phố chỉ có sức chứa 900 người. Con số này có thể tăng lên 3.500 trong trường hợp xấu nhất.
"Chúng tôi đang cố hết sức để tỏ lòng tôn trọng với người đã khuất", Aja Worthy-Davis, phát ngôn viên giám đốc y tế thành phố nói.
Nhưng với các y tá chăm sóc bệnh nhân, "chúng tôi khó mà mở lời thông báo cho người nhà biết xác đặt ở đâu", một y tá nói. "Không ai muốn nghĩ về cảnh người thân đang nằm trong xe tải đông lạnh".
Bên cạnh những giờ làm việc vất vả kéo dài, áp lực điều trị cho người ốm và nỗi đau tinh thần khi chứng kiến quá nhiều chết chóc, một nỗi sợ khác đang đè nặng lên vai nhân viên y tế, đó là mối lo về an toàn tính mạng bản thân nếu lây nhiễm nCoV.
Một nhân viên ở bệnh viện New York so sánh mỗi ca làm việc như "bước vào trận chiến mà không có áo giáp". Một người khác thì ví "như đi vào một tòa nhà đang hỏa hoạn dù biết rõ ta sẽ bị bỏng".
Hơn thế nữa, họ đều lo ngại sẽ lây nhiễm cho người thân. Một phụ nữ làm việc trong bệnh viện Staten Island kể đã mất thời gian thế nào mỗi ngày để đảm bảo không vô tình mang nCoV về nhà cho con.
Cô choàng tấm nilon lái xe về nhà, sau đó vứt luôn, cởi đồng phục bệnh viện trước khi bước vào nhà, cho thẳng vào máy giặt và đi tắm ngay. Sau đó, cô lau mọi bề mặt bằng chất khử trùng, nước muối và chanh bởi nghe nói phương pháp này giúp hạn chế virus lây nhiễm. Cô cũng thường xuyên nhỏ mũi bằng nước muối.
"Tôi làm mọi việc cẩn thận. Chỉ sai một bước, tôi có thể lây cho mọi người trong nhà và sẽ không thể tha thứ cho bản thân", cô nói.
Thứ mà tất cả y bác sĩ New York lo lắng nhất là điều tồi tệ nhất chưa đến. Thị trưởng Bill de Blasio đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp toàn quốc, đề nghị hỗ trợ thêm nguồn lực hôm 1/4 và chủ nhật tuần này là hạn chót.
Ông muốn được hỗ trợ 3,3 triệu khẩu trang N95, 100.000 bộ quần áo bảo hộ, 400 máy thở, 1.000 y tá, 300 bác sĩ chuyên khoa hô hấp và 150 bác sĩ chuyên khoa khác.
"Đây là sự thật trần trụi, rằng nếu không có những thứ trên, những người New York mà chúng ta đáng lẽ có thể cứu đều sẽ chết", ông viết trong thư gửi Tổng thống Mỹ. Hiện vẫn còn ba ngày nữa là tới hạn chót.
Với y tá Tannis, chân đang bị sưng sau một ngày đối mặt với chết chóc và bệnh tật, thật khó để nghĩ đến sự việc tồi tệ hơn.
"Tôi là người không biết nói lời tình cảm", cô nói. "Tôi không biết nên nói gì. Các bạn không hiểu chuyện gì đang diễn ra trong bệnh viện đâu. Các bạn không thể hiểu nổi họ đang đau khổ như thế nào".
"Tôi cầu xin mọi người, hãy ở yên trong nhà", cô nói với người dân New York và mọi người dân Mỹ.
Hồng Hạnh (Theo Telegraph)