Bà Shanbaug bị tổn thương não và sống thực vật kể từ khi bị siết cổ bằng xích chó rồi bị tấn công tình dục năm 1973. Nạn nhân 66 tuổi phải chiến đấu với căn bệnh viêm phổi trong những ngày gần đây và dùng máy hô hấp nhân tạo, giới chức Bệnh viện King Edward ở thành phố Mumbai, Ấn Độ, cho biết.
Theo AFP, bà Shanbaug bị một nhân viên bệnh viện tấn công trong tầng hầm. 11 tiếng sau, y tá được tìm thấy trong tình trạng bị mù và tổn thương não nghiêm trọng. Hơn bốn thập kỷ qua, người phụ nữ đó nằm liệt giường và được một đội ngũ gồm bác sĩ cùng y tá chăm sóc tại bệnh viện.
Kẻ tấn công bà Shanbaug được trả tự do sau 7 năm ngồi tù.
"Thực ra Shanbaug đã chết từ năm 1973 (thời điểm xảy ra vụ tấn công). Giờ, sự ra đi của bà ấy chỉ là cái chết về mặt pháp lý", nhà báo Pinki Virani đồng thời là bạn của nạn nhân nói với kênh truyền hình Zee News TV. "Shanbaug của chúng tôi đưa tới cho Ấn Độ một sự thay đổi lớn trong điều luật an tử".
Cảnh ngộ của bà Shanbaug trở thành tâm điểm của cuộc tranh cãi về cái chết không đau đớn ở Ấn Độ sau khi nhà báo Virani thỉnh cầu tòa tối cao nước này năm 1999 cho phép nạn nhân được ra đi. Luật pháp Ấn Độ không cho phép an tử hoặc nhịn đói đến chết.
Tuy nhiên năm 2011, tòa án tối cao quyết định thiết bị y tế hỗ trợ sự sống có thể được rút bỏ một cách hợp pháp khỏi một số bệnh nhân ở giai đoạn cuối. Theo đó, lần đầu tiên bệnh nhân được phép an tử.
Tòa án cho hay việc rút bỏ thiết bị hỗ trợ sự sống có thể được thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt, gia đình yêu cầu và có sự giám sát của bác sĩ cũng như tòa án. Sở dĩ phải có sự giám sát là để ngăn chặn các thành viên gia đình "vô lương tâm" muốn giết người thân giàu có.
Tuy nhiên, tòa bác bỏ đề nghị của nhà báo Virani ngừng việc hỗ trợ sự sống với bà Shanbaug với lý do bạn không đủ tư cách pháp lý để đưa ra đề nghị thay cho nạn nhân.
Bình Minh