Một số học giả cho rằng thông lệ bữa ăn cuối cùng bắt nguồn từ Hy Lạp cổ đại với mục đích "xoa dịu" người sắp bị trừng phạt bằng cái chết. Thời đế chế La Mã, các võ sĩ được ăn bữa tối thịnh soạn trước khi ra đấu trường.
Tới thế kỷ 18, những phạm nhân tại London (Anh) nếu giàu có hoặc được ưu ái có thể được ăn tiệc với khách ở ngoài nhà tù vào buổi tối trước ngày bị hành quyết. Hôm sau, trên quãng đường tới giá treo cổ, đoàn hộ tống theo thông lệ sẽ dừng lại tại quán rượu để cho tử tù uống cốc bia giải khát cuối cùng.
Tại Mỹ, thông lệ bữa ăn cuối cùng được cho là du nhập từ châu Âu trung cổ. Khi ấy, nhiều người mê tín tin rằng chết sau khi được ăn no thì sẽ không oán giận. Ngoài lý do mê tín, việc tử tù chấp nhận bữa ăn cuối cùng cũng được coi là hành động mang tính tượng trưng, cho thấy họ đã làm hòa với cộng đồng, với đao phủ, thẩm phán và nhân chứng.
Tù nhân được ăn gì trong bữa ăn cuối cùng tùy thuộc rất nhiều vào chính sách của địa phương giam giữ. Ví dụ, trước khi bỏ án tử hình vào đầu những năm 1970, bang New York rất hào phóng, cho phép tử tù gọi gà rán, khoai tây chiên, bánh mì, bánh kem, café, sữa, và thuốc lá. Bang Florida để tù nhân chọn món trong hạn mức lên tới 40 USD, trong khi một số bang như Oklahoma chỉ cho 15 USD mỗi khẩu phần.
Ở bang Texas, thông lệ bữa ăn cuối cùng được áp dụng năm 1924. Một số tử tù thường gọi số lượng phần ăn tráng miệng bằng với số lượng bạn tù, coi như quà tiễn biệt vào đêm hành quyết. Tới tháng 9/2011, tử tù tên Lawrence Brewer gọi rất nhiều món (gồm hai miếng bít tết gà, ba bát fajitas, bánh hamburger phô mai, nửa cân thịt nướng hun khói, một bát đậu bắp nướng, bánh pizza, một thìa kem...) nhưng cuối cùng bỏ ăn vì lý do "không đói bụng". Hành động ngỗ ngược của Lawrence khiến Sở Tư pháp bang Texas sau đó bãi bỏ thông lệ bữa ăn cuối cùng.
Trước kia, tù nhân thường được cho uống rượu hoặc hút thuốc trước khi bị hành quyết, đặc biệt nếu phải đối mặt với đội xử bắn. Đây là hành động thể hiện sự thương cảm, nhưng cũng là để tử tù bình tĩnh, hợp tác hơn trong những giây phút cuối. Ngày nay, không tử tù nào ở Mỹ được phép uống rượu hay hút thuốc lá trước khi hành quyết.
Trung Quốc cổ đại cũng có thông lệ cho người sắp bị hành quyết ăn bữa cơm cuối cùng, hay còn gọi là "cơm đoạn đầu". Theo sử sách, lệ này xuất hiện sớm nhất từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, sau khi Sở trang vương dẹp yên các quý tộc và đại thần làm phản. Để thể hiện sự bao dung và thu phục nhân tâm, ông hạ lệnh cho người bị kết án được ăn bữa cơm ngon trước khi bị xử trảm một ngày. Sau đó, các nước chư hầu cũng mô phỏng cách làm này.
Người Trung Quốc cổ đại tin rằng chết khi no bụng là cái chết tôn nghiêm, giúp tử tù đầu thai vào gia đình tốt hơn ở kiếp sau. Ở thời Tống, Tống Thái Tổ khi vừa mới lập quốc đã đặt ra quy tắc mỗi tử tù trước khi chết sẽ được khẩu phần ăn đáng giá 5 quan tiền, đủ để có được bữa cơm thịnh soạn. Nhưng do quy tắc ngầm trong nhà lao và tham nhũng, số tiền này bị giảm đi đáng kể khi tới tay tử tù.
Ở Việt Nam, cũng có quy định về bữa ăn cuối cùng cho tử tù. Cụ thể, Điều 8, Nghị định số 82/2011/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định số 82/2011/NĐ-CP về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc quy định, người bị đưa ra thi hành án tử hình được hưởng tiêu chuẩn ăn, uống bằng 5 lần tiêu chuẩn của ngày Lễ, Tết quy định đối với người bị tạm giam. Quy định này cho thấy sự nhân văn của pháp luật Việt Nam, phù hợp với tín ngưỡng và truyền thống của dân tộc.
Quốc Đạt (Theo Sohu, BBC, Laphams Quarterly)