Khi đồng hồ điểm 12h đánh dấu khoảnh khắc bước từ năm cũ sang năm mới, người dân các nước châu Âu và Mỹ thường trao nhau những nụ hôn ngọt ngào và lãng mạn. Theo Time, nụ hôn lúc giao thừa này xuất phát từ quan niệm lâu đời và được cho là mang lại may mắn trong năm mới.
Theo các nhà sử học, khi kết thúc vụ mùa vào giữa mùa đông, người La Mã cổ đại thường tổ chức lễ hội ăn mừng trong một tuần để tôn vinh Saturn, vị thần nông nghiệp trong tín ngưỡng của họ. Nhiều truyền thống Giáng sinh và Năm mới ngày nay bắt nguồn từ lễ hội này như trang trí nhà cửa, treo vòng nguyệt quế, tặng quà, nghỉ làm việc, ăn uống linh đình và dành thời gian vui vẻ bên nhau.
Trong cuốn "Tôn giáo của Rome", các nhà sử học cho biết trong lễ hội này, "thứ bậc và các quy tắc trong xã hội được tạm dừng", nghĩa là mọi người có thể sống phóng túng hơn thường ngày, các cặp đôi thoải mái thể hiện tình cảm và tận hưởng giây phút mặn nồng bên nhau.
Cũng có người tin rằng, ngày đầu tiên trong năm sẽ quyết định những ngày còn lại trong năm. Do đó, khi dành cho nhau nụ hôn vào ngay thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thì cả năm đó họ sẽ luôn được hạnh phúc bên nhau.
Vào thời Phục Hưng ở châu Âu từ thế kỷ 15 đến 17, lễ hội hóa trang rất phổ biến vào những dịp cuối năm. Khi mặt nạ được tháo ra vào thời điểm giao thừa, mọi người sẽ hôn người đầu tiên mà họ nhìn thấy. Nghi thức này được tin rằng sẽ giúp gột rửa đi những chuyện không may xảy ra trong năm cũ.
Truyền thống này giống với quan điểm của người Anh rằng nụ hôn đem lại phước lành cho người mà ta yêu thương, cho họ sức mạnh để chống lại những điều xui rủi, theo nhà thiên văn học và nhà nhân chủng học Anthony Aveni.
Quan niệm dân gian của người Anh và người Đức cho rằng người cùng ta đón năm mới sẽ đem lại may mắn hoặc xui xẻo cho cả năm. Những người Đức nhập cư đến Mỹ giữa thế kỷ thứ 19 được cho là những người phổ biến truyền thống nụ hôn đêm giao thừa, theo Alexis McCrossen, tác giả cuốn lịch sử về quan điểm thời gian trong văn hóa Mỹ.
Nữ tác giả này dẫn bài báo xuất bản ngày 3/1/1863 của New York Times về không khí chào đón năm mới ở thành phố New York như sau: "Đêm giao thừa là thời điểm tuyệt vời đối với người Đức", bài báo viết. "Khi đồng hồ điểm 12h đêm, mọi hoạt động vui chơi đều dừng lại trong một khoảnh khắc nhường chỗ cho sự im lặng để suy tưởng và khi giây cuối cùng của năm cũ qua đi, tất cả mọi người, to lớn hay bé nhỏ, già và trẻ, đàn ông lẫn đàn bà, đều lao vào vòng tay của nhau, họ trao nhau những nụ hôn nồng cháy, cùng thốt lên 'Chúc mừng Năm mới!'"
Truyền thống này sau đó vượt qua phạm vi của cộng đồng người Đức nhập cư. "Các thành phố ở Mỹ mở rộng và ngày càng có nhiều dân nhập cư từ châu Âu đổ vào mang theo những phong tục ăn mừng năm mới", giáo sư lịch sử McCrossen nói. "Dẫu vậy, người Đức vẫn có ảnh hưởng lớn đối với văn hóa và phong tục Mỹ".
Xã hội Mỹ có thái độ đối xử khác nhau đối với người nhập cư đến từ các nước khác nhau. "Người Đức được tôn trọng hơn người Ý và các nhóm nhập cư khác", giáo sư McCrossen chỉ ra. Do vậy, nhiều phong tục của người Đức nhanh chóng lan truyền trong xã hội Mỹ.
Sau khi có điện thắp sáng vào những năm 1880, cuộc sống về đêm trở nên sôi động và mọi người bắt đầu đi ra ngoài đón giao thừa. "Đó chính là thời điểm phong tục hôn nhau trong khoảnh khắc chuyển giao năm cũ và năm mới trở nên phổ biến".
Năm 1907, New York cấm bắn pháo hoa và chính quyền thành phố nghĩ ra một cách mới để mừng đón năm mới - thả quả cầu thủy tinh. Hình ảnh những đôi yêu nhau trao nụ hôn trên Quảng trường Thời đại được phát đi trên toàn cầu, giúp nụ hôn đêm giao thừa trở thành phong tục ngày càng phổ biến trên khắp thế giới.
An Hồng