Dán nhãn năng lượng là chương trình được Bộ Công Thương quy định và triển khai tự nguyện từ năm 2008 và bắt buộc thực hiện từ 1/7/2013. Trong đó, với nhóm thiết bị gia dụng, điều hòa được người dùng quan tâm hàng đầu, bởi đây là sản phẩm tiêu tốn nhiều điện năng nhất.
Việc dán nhãn năng lượng giúp người dùng chọn được sản phẩm phù hợp, tiêu tốn ít điện năng và giảm tải cho hệ thống điện toàn quốc.
Chỉ số quan trọng nhất trên nhãn năng lượng là số sao (từ một tới 5). Số lượng sao càng nhiều, thiết bị càng tiết kiệm điện năng. Hầu hết điều hòa hiện nay đều đạt từ 4 đến 5 sao. Trong đó, phần lớn điều hòa sử dụng công nghệ máy nén biến tần Inverter đạt chứng nhận 5 sao.
Nếu cùng số sao, người dùng có thể dựa vào hiệu suất năng lượng để lựa chọn điều hòa nào tiết kiệm điện hơn. Chỉ số này được tính toán thực tế bằng tỷ số giữa công suất làm lạnh và công suất điện cần thiết để vận hành điều hòa ở chế độ định mức. Số hiệu suất năng lượng càng lớn, điều hòa càng sử dụng điện hiệu quả hơn, tiết kiệm điện hơn.
Tuy không được thể hiện rõ trên nhãn năng lượng, hiệu suất năng lượng cũng chia làm hai loại. Đầu tiên là chỉ số EER dành cho điều hòa sử dụng máy nèn thường và CSPF dành cho các loại có sử dụng máy nén biến tần Inverter.
Những mẫu điều hòa tiết kiệm điện hàng đầu thị trường Việt Nam hiện nay có chỉ số hiệu suất năng lượng trên dưới 7. Model cao nhất trong năm 2020 là 7,4. Các mẫu phổ thông có hiệu suất trung bình từ 5 đến 6.
Ngoài hai chỉ số chính, nhãn năng lượng còn thể hiện các thông số quan trọng khác của điều hòa. Đầu tiên là Hãng sản xuất, Xuất xứ - chỉ ra nơi lắp ráp sản phẩm. Điều hòa tại thị trường Việt Nam phần nhiều sản xuất ở Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia...
Công suất điều hòa được tính bằng chỉ số kW hoặc BTU/h. Ví dụ, một model công suất 3.400 kW sẽ tương đương 11.600 BTU/h.