Câu chuyện xoay quanh chú heo nhỏ, bỗng một ngày xuất hiện ở nhà của bà "Trời đất ơi" do con chó Nô Nô mang về. Không biết mình đến từ đâu, không đồng loại nào ở bên... chú heo giờ sẽ phải sống và tồn tại trong nhịp đô thị mà không biết ngày sau ra sao.
Với thủ pháp nhân hóa loài vật, Lý Lan xây dựng một chú heo có tính cách khác biệt, "không chỉ ăn rồi ngủ". Chú nói: "Ít ra, tôi không thuộc dạng đó. Những lúc không ăn không ngủ, tôi đi lòng vòng khu vườn trái cây trong này hay mảnh vườn hoang ngoài kia".
Heo làm bạn với chú chó Nô Nô, nhận thức được bản thân mình khi có cơ hội "giao tiếp" cùng tự nhiên... Vẫn là câu chuyện khám phá thế giới thiên nhiên như Ngôi nhà trong cỏ hay Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen, thế nhưng Lý Lan chọn hướng tiếp cận khác biệt, khi chỉ tập trung vào một mạch chính so với phân mảnh như hai tác phẩm bà viết trước đó.
Nhân vật chính dần khám phá cuộc sống ngoài kia, và rồi đi một ngày đàng học một sàng khôn. Nó thấy ông Dê Già sống thiếu thốn nhưng được tự do, trong khi Nô Nô dẫu sống hạnh phúc lại mất đi bản năng giống loài. Và chú heo ấy từ một loài vật vốn bị khinh khi, bỗng dưng có cơ hội để chứng minh mình, đồng thời buộc phải lựa chọn.
Đó cũng là tình thế nan giải mà con người ta thường gặp phải trong cuộc đời, khi điều ta thích và thứ ta làm khó tìm thấy nhau. Và khi buộc phải chọn một, liệu ta có được là mình, có sống đúng với bản năng cũng như danh tính? Trong tác phẩm này, nhà văn Lý Lan một cách khéo léo đã gợi nhắc tiếng gọi tự nhiên sâu thẳm bên trong mỗi người.
Như chú heo ấy, dẫu sống giữa nơi đô thị nhưng "những áng mây đùn lại trước cơn mưa tới" vẫn luôn khiến chú bất chợt cảm thấy như "một đàn heo chạy bay về rừng". Trong khoảnh khắc ấy, chú "nghĩ về rừng chứ cũng không biết rừng là gì...". Dù chỉ thoáng qua nhưng sâu bên trong, tiếng gọi bản năng vẫn luôn sống động và đòi trỗi dậy.
Qua những trang viết, nhà văn cho độc giả thấy nếu có lòng tin cũng như tình yêu, cuộc đời này bỗng chốc nở hoa và những mục đích sống sẽ được tìm thấy. Ở tác phẩm này, đó là chú chó Nô Nô như nguồn ủi an cho ông bà lão, hai chị em Phương - Thúy cho chú heo con thấy hơi ấm của tình thương yêu...
Tự truyện một con heo có nét giống Chú heo Giáng sinh của J.K.Rowling. Trong tác phẩm đó, cũng có chú heo nhỏ đi qua những tầng ký ức về sự lãng quên và bị bỏ mặc, nhưng bằng tình yêu thương mà mọi thứ trở lại như nó vốn là.
Lý Lan mang đến một tác phẩm phù hợp nhiều lứa tuổi. Nếu như trẻ em muốn dấn thân vào thế giới của những loài vật bình dị, dễ thương, người lớn sẽ thấy ở đó bài học sâu xa về những vấn đề trong cuộc sống như bản dạng, lai lịch cũng như cách sống hài hòa, đúng với bản năng... Càng đọc sâu vào văn bản, người đọc có thể nhìn thấy những tầng nghĩa khác về cuộc sống này, cũng như mục đích của việc sống.
Điểm nhấn của tác phẩm là giọng văn hài hước, đậm phương ngữ Nam Bộ. Trong đó, cuộc đấu khẩu giữa chó Nô Nô và heo con, của hai ông bà "Trời đất ơi" hay chị em Phương - Thúy... khiến độc giả không thể ngừng cười.
Lý Lan (sinh năm 1957) là một dịch giả và tiểu thuyết gia, gắn với nhiều thế hệ qua dịch phẩm Harry Potter (J.K.Rowling). Bà cũng là cây bút viết truyện thiếu nhi, trong đó Ngôi nhà trong cỏ từng đoạt giải A cuộc thi sáng tác cho nhi đồng của Hội nhà văn Việt Nam năm 1984. Năm 2009, nhà văn trở lại với Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen.
Bà viết nhiều thể loại, từ bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết đến sáng tác thơ và dịch thuật. Năm 2022, tiểu thuyết lịch sử Bửu Sơn Kỳ Hương nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Bà luôn tâm niệm "Viết sao cho người đọc trưởng thành hơn khi đọc hết quyển sách".
Anh Đoàn