![]() |
Hai miền Nam - Bắc thống nhất nhưng đất nước vẫn chưa yên. Mặt trận phía Tây Nam lại thôi thúc anh lên đường. Mãi đến năm 1979, khi tiếng súng tạm yên, anh mới trở ra Bắc, học ở Nhạc viện Hà Nội. Và bước ngoặt cuộc đời anh được đánh dấu từ đây. Anh đã gặp được người thày của mình là nhạc sĩ Nguyễn Cường, người đã phát hiện ra Tây Nguyên hùng vĩ trong con người anh và phát triển anh theo đúng thiên hướng. Từ đây trong nền âm nhạc Việt Nam đã có tên Y Moan. Những bài dân ca Tây Nguyên, những bài hát viết về Tây Nguyên đã được anh xử lý với một chất giọng khỏe, vừa hừng hực cháy bỏng vừa sâu lắng nhẹ nhàng. Nói đến Y Moan, mọi người nghĩ ngay đến Tây Nguyên. Không dừng ở đó, anh vẫn miệt mài lao vào học tập, nghiên cứu. Y Moan từng sang Nga, Hungaria, Rumania học hỏi và lĩnh hội những cái hay của nền nghệ thuật nước bạn để bồi bổ chất giọng. Cùng với nghệ sĩ lãng du Trần Tiến trong nhóm Du ca Đồng Nội, Y Moan rong ruổi qua mọi nẻo đường. Anh từng biểu diễn ở nhiều nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Pháp v.v… Ở những nơi Y Moan đi qua, anh đều được khán giả hoan nghênh, chào đón và đánh giá cao phong cách trình diễn. Anh nói: "Tôi thật sự hãnh diện vì đã mang được nền văn hóa dân tộc giới thiệu cho bạn bè khắp năm châu cùng biết". (Theo Văn học Nghệ thuật)
×
|