Moan ngồi uống nước trước sân. Vợ anh đang bế cháu. Sân cũng là gầm ngôi nhà sàn do anh tự thiết kế. Nhà lợp tôn xanh, gác gỗ vừa làm sàn, vừa để che mát ngôi nhà mái bằng phía bên trong.
![]() |
Nghệ sĩ Y Moan. Ảnh: nhacso. |
Moan dành hẳn một góc nhà phía trong để bày những chiếc chiêng quý nhiều kích cỡ của người Ê đê. Giọng đầy hào hứng, Moan kể hành trình đưa những chiếc chiêng này về Việt Nam vì chúng từng lưu lạc ở Lào, Campuchia... Có những chiếc pha nhiều vàng, thời gian càng làm cho kim loại óng ánh sáng lên ở phần núm... Những chiếc chiêng này không chỉ bày cho đẹp mắt. Chúng trở thành một phần không thể thiếu trong những ngày vui gia đình, buôn làng hay đơn giản khi Moan và vài người bạn lai rai bên ché rượu cần. Moan có vẻ nuối tiếc, rằng nếu nhà báo ở lại lâu chắc sẽ có cơ hội được nghe tiếng chuông ngân lên giữa buôn Thha Prong, hòa trong gió và vang tận tới núi rừng Tây Nguyên...
Moan kể, anh vừa từ Pháp trở về trong chuyến đi hộ tống giáo sư Trần Văn Khê giới thiệu âm thanh cồng chiêng - một phần không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhân là "Kiệt tác truyền khẩu phi vật thể của nhân loại". Trong chuyến đi, Moan vừa biểu diễn cồng chiêng, vừa hát. Anh chẳng nhớ đã bao lần xuất ngoại với các loại nhạc cụ Tây Nguyên. Nhưng trong chuyến đi vừa rồi, sau hơn một năm cồng chiêng Việt Nam mang đẳng cấp quốc tế, niềm vui sướng, tự hào càng anh thêm hứng khởi.
Say sưa, Moan giải thích về sứ mệnh mới, thiêng liêng và đầy mê hoặc của tiếng cồng chiêng với đồng bào Tây Nguyên. Trong chiêng có Yang (Giàng). Chiêng giúp con người thỉnh cầu thần linh, thỏa mãn khát vọng khám phá, chinh phục và mang cả nỗi tự ti cố hữu của con người. Giá trị của chiêng ngang trâu, ngang voi. Chiêng trở thành của gia bảo, thành giá trị siêu vật chất... Nhưng cồng chiêng không chỉ đơn thuần là vật chất, mà nó chứa đựng cả thế giới thần linh.
Anh thấm thía lời giáo sư Trần Văn Khê khi ông diễn giải về giá trị của tiếng chiêng, tiếng cồng trong con mắt thán phục của bạn bè quốc tế: "Cách phối hợp âm thanh của dàn cồng chiêng giữa các công cha mẹ, cồng con, cồng cháu làm thành thang âm, điệu thức đặc biệt".
Câu chuyện với Moan lan man từ những luật tục ở Tây Nguyên, cho đến cuộc sống của một nghệ sĩ quyết bám đất, bám làng. Mỗi năm, anh cùng đồng nghiệp ở đoàn biểu diễn 80 đêm phục vụ cho đồng bào vùng sâu, vùng xa... Moan rất ít khi nhận sô riêng, "chỉ khi anh em bạn bè muốn tìm hiểu về văn hóa của đồng bào tôi, dân tộc tôi, tôi mới hát". Moan là anh cả trong gia đình, sau anh có nhiều em, trai có, gái có và đều có gia đình con cháu đề huề. Anh em bên nội, ngoại hầu hết đều quây quần trong buôn, vui lắm.
Chia tay Moan ở cổng nhà anh. Cổng cách điệu theo mô tuýp nhà sàn, lợp mái tôn xanh, thân cổng là hai cây cột gỗ bạc phếch cao vút. Trên cột chạm nổi hình những con rùa. Còn miếng gỗ treo lủng lẳng hai sợi dây xích in chữ: "May house Ay Sa Wa". Moan cười: "Tôi không còn là Y Moan nữa rồi. Ay Sa Wa nghĩa là ông của Sa Wa. Y Vôn sinh con trai Sa Wa. Tôi đã lên chức ông nội, thế là đã đến tột đỉnh của hạnh phúc làm người rồi".
(Theo Truyền Hình Hà Nội)