Đề xuất tăng phí 37 dự án BOT của Bộ Giao thông Vận tải đang gây tranh cãi trái chiều trên VnExpress.
Nhiều ý kiến cho rằng "lộ trình" tăng phí của 37 dự án BOT là không hợp lý, gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống người dân và doanh nghiệp:
Xin hỏi cái lộ trình này ở đâu ra? Lộ trình có từ bao giờ? Lý do gì đang thu lại tăng mà không phải thu cùng một mức giá từ đầu? Tại sao 37 dự án có các thời điểm thi công, thu phí khác nhau mà lại có cùng một "lộ trình" tăng giá?
Lượng xe mới năm sau luôn cao hơn năm trước. Ví dụ khi khảo sát năm 2010 lưu lượng chỉ khoảng 100.000 lượt xe/ ngày đêm chẳng hạn. Nay lưu lượng xe là 120.000, như vậy số thu sẽ phải lớn hơn như vậy thời gian thu sẽ phải giảm đi sao lại tăng được?
Bộ GTVT có kiểm tra chính xác doanh thu hàng năm của các BOT trong thời gian qua không? Hay cứ đến hạn là tăng giá vé? Có trạm chưa đến hạn đã tăng, có trạm quá thời gian khai thác cũng "quên", vẫn để thu. Lượng xe ngày càng nhiều sao có chuyện lỗ nhỉ?
Lấy ý kiến trong đó có các ý kiến doanh nghiệp vận tải hay người dân hay không? Tôi nghe đến BOT đã là nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp vận tải trong đó gồm những tài xế và người dân. Nhìn dấu hiệu BOT trên bản đồ Việt Nam là đã chóng mặt.
Cần so sánh giữa tăng trưởng và lạm phát để có sự điều chỉnh cho phù hợp, đề nghị kiên quyết xoá bỏ các trạm đặt không đúng vị trí. Đồng thời, cần xem xét lại cơ sở xác định giá dịch vụ.
BOT tăng giá thì các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng giá theo vì phí vận chuyển tăng, việc này không chỉ ảnh hưởng đến tài xế, nhà xe mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội.
Tuy nhiên, không ít ý kiến lại cho rằng BOT mang lại nhiều lợi ích cho xã hội nên việc tăng trạm và tăng phí cũng là điều dễ hiểu:
Việt nam có 64 tỉnh thành nhưng có tận 37 trạm BOT. Tôi đồng ý tăng thời gian thu phí và kể cả tiền thu phí, nhưng hãy đặt trạm cho đúng. Đường nào thu đường đó và đường BOT phải song song với đường không thu phí để cho người dân lựa chọn.
Cơ sở hạ tầng giao thông phát triển cùng các trạm BOT. Phải nói lời công bằng là nếu không có xã hội hóa giao thông thì Việt Nam chưa thể được như hôm nay. BOT gắn liền với đường và cầu mới. Nếu không có BOT còn khổ trăm bề hơn. Giống như đi máy bay và xe khách vậy đó, máy bay thì đắt nhưng tiện lợi hơn.
BOT càng nhiều càng tốt chứ. Có đường đi, vận chuyển hàng đến những nơi giao thông chưa thuận tiện. BOT có người đứng ra đầu tư - là người chịu trách nhiệm về vốn, khai thác... Tăng thu BOT là cần thiết. Chỉ có điều phải tính toán kỹ mức giá, thời gian hoàn vốn là được.
Tăng thì cũng bình thường, quan trọng phải đặt đúng chỗ. Mình dùng thì tiếc gì trả phí. Với lại cần có sự minh bạch trong công tác thu phí.
Nhờ có BOT và BT mà mỗi lần tôi về quê còn 2h30 phút thay vì 4h30 phút như trước đây.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.