Sau bài viết Vì sao cha mẹ phải cố gắng giàu con mới dễ thành đạt, nhiều độc giả VnExpress cho rằng người trẻ cần tạo lập tài chính bản thân vững vàng rồi hãy kết hôn và sinh con:
Không phải cực đoan nhưng tôi thấy ở Việt Nam người càng nghèo lại càng thích sinh con. Họ đẻ xong, khi con mười mấy tuổi đầu bắt nó đi làm nuôi lại mình mà không lo cho con đến nơi đến chốn.
Tôi đã tận mắt chứng kiến bé trai chừng mười mấy tuổi đen nhẻm, đáng thương bị bà chủ mắng không thương tiếc. Khi kết hôn, tôi luôn tự nhủ nếu lo cho con được cả vật chất lẫn tinh thần thì sinh, còn không được thì thôi. Chứ nhiều người sinh con chỉ vì mong muốn ích kỉ của bản thân mình, sợ già không ai chăm sóc.
Những tấm gương học không cao mà thành đạt và học giỏi nhưng nghèo đa số chỉ tồn tại vào những năm 90 và trước 2010, khi mà người giỏi ít, thị trường mới mở cửa còn nhiều chỗ trống nhưng trí thức thì chưa có chỗ phát huy vì dân trí thấp và kinh tế thô sơ. Nhưng thời nay, liệu còn mấy tấm gương từ người bán cá trở thành chủ doanh nghiệp hải sản. Ngược lại trí thức bây giờ ngày càng giàu có và kiếm tiền dễ dàng, nhiều người chỉ làm thuê nhưng thu nhập còn hơn xa giám đốc. Xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng đi lên nhờ lao động, học tập, sản xuất. Nếu chỉ hô khẩu hiệu "không cần học đại học cũng tỷ phú" hay đói cho sạch, rách cho thơm thì đợi đấy mà phát triển.
Những người xuất thân nghèo khó trở nên giàu có không quá nhiều, họ được tung hô như là một tấm gương sáng để người khác noi theo. Còn những người có nền tảng gia đình tốt: kinh tế, học thức, tầm nhìn... trở nên giàu có đầy rẫy ngoài xã hội
Bố mẹ tôi không giàu có, nhưng cũng cố gắng cho chúng tôi học hành tới nơi, tới chốn. Người không chịu học thì được mua đất, tạo điều kiện cho làm ăn. Đến khi các con có gia đình thì chỉ cần tập trung cho gia đình nhỏ, không cần phải lo cho bố mẹ vì bố mẹ đã có tài sản tích lũy riêng.
Còn bên gia đình chồng tôi quá khó khăn, sinh bốn người con nhưng chỉ có một người được học đại học vì ông bà không lo nổi. Ba người còn lại thì học hành dang dở, vào đời bằng nghề phụ hồ, thợ may. Khi các con lập gia đình, ngoài việc lo cho gia đình nhỏ, còn phải lo cho bố mẹ từ những cái nhỏ nhất như viên thuốc đến cái to hơn là xe, là nhà. Thật sự là vô cùng khổ.
MT
Quan điểm nhà nghèo vượt khó hay sống trong khó khăn trẻ con mới có ý chí vươn lên đã lạc hậu trong thời đại này. Thực tế những đứa trẻ được sinh sống trong gia đình khá giả, cha mẹ là trí thức có nhiều cơ hội hơn hẳn. Trong khi con nhà nghèo phải chật vật kiếm từng đồng tiền trang trải thì những đứa trẻ kia đã có cơ hội để tiếp cận những cái mới mẻ.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.