Tôi có người bạn tên N.V. đã nghỉ hưu hơn 4-5 năm nay. Vốn là một giáo viên phổ thông nên khi rời bục giảng anh rất buồn, luôn nhớ trường nhớ lớp. Để lấp dần khoảng trống trong ngày anh làm quen với Facebook để giải khuây.
Không biết từ bao giờ anh đã trở nên một người biên khảo nghiệp dư, thường xuyên chia sẻ hình ảnh và bài viết với vài trăm người bạn, đa số là người già hơn kém nhau khoảng một thập niên, bạn trẻ cũng có. Thú vui của anh là post bài, ngồi chờ like, comment và phản hồi. Lâu dần anh trở nên đam mê và trực Facebook với khoảng thời gian gần như không rời cái điện thoại ngày cũng như đêm.
Công việc của anh là vào Google, chịu khó góp nhặt nhiều bài viết, hình ảnh, hệ thống lại thành bài hoàn chỉnh rồi post, và ngồi chờ đếm like, comment. Những bài viết của anh thuộc nhiều lĩnh vực. Từ lịch sử ngoại thì Hán, Đường, Nguyên, Minh, Thanh... Nội thì Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn... cho đến những vấn đề thời sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại thì người Việt đầu tiên được phong hàm tướng ở Mỹ ...nội thì chủ quyền quốc gia, tham nhũng, tiêu cực, thảm sát...và không loại trừ một ít hình ảnh bài viết dung tục, khiêu dâm... Những comment bạn bè thì thượng vàng hạ cám nặc mùi chủ quan, ấu trĩ, cực đoan, thô tục, cũng có hay thâm tình đậm đà như: "Cám ơn anh đã có công sưu tầm cho chúng em tiếp thu nhiều kiến thức", "Anh là số một, cố gắng thêm nhiều bài viết hay nữa nha anh!...".
>> 'Đăng hình nạn nhân giao thông lên Facebook là thiếu nhân văn'
Vợ anh mỗi khi có dịp gặp tôi thay câu đầu tiên chào hỏi nhau, chị không ngớt than phiền: "Anh ấy giờ là người của thế giới ảo rồi, không còn biết thực tế mình đang sống là gì nữa, quên ăn, quên ngủ chỉ có Facebook thôi!"
Đi tìm sự thoải mái sau những giờ căng thẳng với những mục đích củng cố, trau dồi kiến thức, trao đổi quan điểm sống trên thế giới mạng để sống vui, khỏe là việc làm đáng trân trọng, đáng khuyến khích. Nhưng vì thế mà không tự kềm chế bản thân để sa đà vào một thế giới ảo với nhiều hệ lụy là không hay chút nào.
Trong một cuộc tọa đàm về những hệ lụy của mạng xã hội, một vị Tiến sĩ cho biết, theo thống kê, 50% người dùng Facebook là vô công rỗi nghề còn những người bận rộn thì không có thời gian để à ơi.
Không rõ thống kê này có độ chính xác tới đâu, nhưng với một con người khá bận rộn, tôi cũng dành riêng một khoàng thời gian nhất định để lướt Facebook với quan điểm rất rõ ràng: Ăn, ngủ với mạng xã hội, nói chung đã là không hay ho gì; like, comment hoặc share một cách vô ý thức sẽ mang tới cho xã hội một hệ lụy khôn lường, có thể dẫn tới tình trạng tổn thương cá nhân, gây bất ổn cho xã hội.
Tôi để ý và ghi nhận, thường thường các Facebooker luôn luôn tìm kiếm những thông tin mang tính "hot". Những thông tin dạng này mang tính nhạy cảm, thiếu kiểm chứng xác thực, đôi khi lệch lạc, nhóm, cục bộ..., phù hợp với cách nghĩ của họ.
>> Video nhảm 'câu view' lên ngôi vì người xem ngày càng dễ dãi
Không dừng lại ở đó, họ tiếp tục comment một chiều và share. Một hiệu ứng "đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu" nhanh chóng lan tỏa qua hàng trăm, hàng nghìn người khác. Tôi nghĩ, đơn giản chỉ cần một thông tin "hot", một bài viết " nhạy cảm", chứa nội dung tiêu cực, chưa được kiểm chứng tính xác thực sẽ gây ra một hậu quả trong xã hội như thế nào.
Tôi nghĩ, mình đến với thế giới ảo lại càng thận trọng và tỉnh táo hơn. Nhan nhản những trường hợp do bất đồng quan điểm trên Facebook mà đã xảy ra những cuộc " Thượng cẳng tay, hạ cẳng chân" của những "nhóm Facebook cục bộ" tại công viên hay những nơi công cộng. Hậu quả là khôn lường.
Cũng đã có nhiều trường hợp thông qua cộng đồng mạng bọn xấu lợi dụng kết bạn mà gạ tình, cướp đoạt tài sản. Nguy hiểm hơn, do bị "ném đá" hội đồng mà có người đã trở nên trầm cảm, không dám tiếp xúc với xã hội bên ngoài, có người quá bức xúc nảy sinh ý định tự tử.
Tóm lại, nếu không tỉnh táo và quá sa đà trên các trang mạng xã hội, chúng ta hoặc là thủ phạm hoặc là nạn nhân của những bất ổn trong xã hội.
Với gia đình, nhà trường và xã hội, sẽ là không thừa khi phải nghiêm túc nhìn cái được và chưa được của mạng xã hội để có những biện pháp thích nghi chặn đứng từ xa có hiệu quả nhất, trước khi những hệ lụy không mong muốn xảy ra.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.