Xung quanh vụ việc bốn du khách tắm biển Phan Thiết bị sóng cuốn trôi, nhiều độc giả VnExpress cho rằng việc quan tâm và tích lũy kỹ năng sinh tồn với nhiều người Việt vẫn còn bị xem nhẹ là nguyên nhân chính:
Mỗi năm có biết bao nhiêu vụ đuối nước thương tâm, dường như điệp khúc đau thương không có hồi kết. Tại sao cái chết thương tâm đều xảy ra đối với tuổi trẻ như vậy? Còn riêng với tôi thì đó là hậu quả của việc thờ ơ, vô cảm của xã hội với kỹ năng sinh tồn.
Xã hội chúng ta hầu như không quan tâm, cũng như không có khái niệm về kỹ năng sinh tồn. Nhiều người không biết những thứ đó là gì? Vậy nên phần lớn giới trẻ sống theo bản năng, các em không biết những hiểm họa quanh mình, vẫn cứ vô tư hồn nhiên, nhiều em cứ nghĩ rằng biết bơi thì không chết đuối nên nếu có bạn bị đuối nước thì mình cũng cứu được, nhưng điều đó thật sai lầm vì kỹ năng khi cứu người bị đuối nước phải được đào tạo bài bản, kể cả các em khi xuống nước cũng phải đánh giá mức độ rủi ro, nhận diện rủi ro chứ không phải cứ bơi, cứ tắm rồi tính sau.
Các em không hề có phương án phòng ngừa rủi ro, thậm chí vớt được người đuối nước lên rồi cũng chẳng biết hô hấp nhân tạo ra làm sao cho đúng? Kỹ năng sinh tồn rất cần thiết để nhận diện và các xử lý khi gặp nạn, nếu chúng ta cứ mãi vô cảm, hậu quả vẫn cứ tiếp diễn và nó sẽ chẳng có hồi kết.
Mình hay đi Nha Trang. Biển Nha Trang rất dốc, xuống vài bước là hụt chân, nên đa số người tắm biển rất cảnh giác. Ngược lại, biển ở La Gi (Phan Thiết) rất thoải, đi ra xa vẫn chưa ngập tới ngực nên đa số rất chủ quan. Một khi có sóng ngầm hay thuỷ triều thì thường rất nguy hiểm. Một phần do đã ra quá xa nên người biết bơi vẫn đuối nước như thường. Khuyên các bạn tới vùng lạ nên tắm biển cẩn thận. Biết bơi cũng nên mang phao nếu ra xa. Chẳng ai cười mình khi tự bảo vệ mạng sống cả.
6 người bị đuối nước lần trước, trong đó có một người cứu hộ xuống cứu bị sóng kéo theo luôn. Tôi dân Phan Thiết, biết bơi nhưng khi thấy sóng lớn cũng chỉ tắm gần bờ, đừng nghĩ tắm biển gần người bạn nào đó biết bơi thì không sao, vì khi bị xoáy nước rút ngầm dưới chân thì người bơi giỏi mà không bình tĩnh cũng khó thoát, mặc dù đang ở cách bờ 4-5 m.
Nhà mình đi La Gi về 2 ngày trước khi xảy ra sự việc thương tâm. Từ lúc nhà mình đi, đã bắt đầu bão, sóng cũng đã lớn. Ba ngày nhà mình tắm biển, lúc nào cũng có một bác bảo vệ thường trực, nhắc nhở mọi người chỗ nào tắm an toàn, không được ra quá xa. Nhưng có một bộ phận khách du lịch không thèm nghe bác khuyên, vẫn ra rất xa bờ mà không hề có áo phao bảo hộ. Thiết nghĩ nếu mọi người chú ý hơn, thì sẽ hạn chế được những vụ việc đau thương như thế này.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.