Vì có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc nam thanh niên bị truy cứu trách nhiệm hình sự là đúng hay sai nên bài viết này tôi sẽ phân tích liệu anh ta có bị khép vào tội chiếm đoạt tài sản hay không.
Không xét đến vấn đề đạo đức, vì pháp luật dựa hoàn toàn trên các điều luật. Vậy đơn giản ta chỉ cần phân tích xem pháp luật Việt Nam định nghĩ thế nào về "chiếm đoạt tài sản" và từng câu từng chữ trong định nghĩa đó.
"Chiếm đoạt tài sản là (hành vi) cố ý chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản đang thuộc quản lý của người khác vào phạm vi sở hữu của mình" (BLHS 2015). Cố ý: Đây là điểm quan trọng, chưa xét đến hành động phía sau, thì chiếm đoạt tài sản chỉ bị khép khi người đó cố ý thực hiện một hành vi nào đó.
Suy ra vô ý thực hiện hành vi thì không bị khép tội. Điều này trả lời được phản biện của một số độc giả cho rằng: "Nếu tài khoản người ta có tiền, và không kiểm tra mà rút theo định kỳ số tiền nhỏ thì lấy gì chứng minh là họ biết đó là tiền người khác. Lỗi của ngân hàng mà. Có quyền yêu cầu người đó trả lại nhưng không có quyền bắt người đó trả lại".
Nếu thực sự như vậy thì hoàn toàn không bị khép tội vì chỉ là vô ý. Nếu bạn cố ý mà không thừa nhận thì khi khởi tố tòa án sẽ chịu trách nhiệm chứng minh dựa trên tình tiết của sự việc.
Trở lại vụ nam thanh niên, cho dù anh ta có cãi chày cãi cối cho rằng tôi tưởng 5 tỷ đồng đó là tiền trước giờ của tôi nên tôi sử dụng, rằng tôi không cố ý, thì quyền quyết định vẫn thuộc về thẩm phán.
Nhưng sự thật thì anh ta đã thừa nhận là mình cố ý (thừa nhận việc mình đã biết ngân hàng chuyển nhầm). Tài sản đang thuộc quản lý của người khác: Đây là điểm khiến nhiều người dễ nhầm lẫn nhất.
Họ cho rằng "tiền trong tài khoản của tôi, tôi không ăn trộm ăn cắp của ai, thì là của tôi". Có nghĩa là tiền đó thuộc quyền quản lý của mình. Như vậy là không đúng.
Cần nhớ rằng không phải cứ tiền trong tài khoản của bạn sẽ là quyền sở hữu của bạn, trừ phi có điều luật nói như vậy (luật nhà nước hay luật ngân hàng) hoặc bạn chứng minh được đó là tài sản của bạn.
Như vây 5 tỷ đồng kia không phải thuộc quản lý của anh ta, mà là của ngân hàng. Có thể một số bạn sẽ phản bác lại rằng, chẳng lẽ cái gì tôi sử dụng cũng phải chứng minh là quyền sở hữu của tôi hay sao? Dĩ nhiên là không rồi.
Chỉ phải chứng minh khi có tranh chấp xảy ra thôi chứ. Chuyển dịch vào phạm vi sở hữu của mình: Cái này thì quá rõ ràng rồi, anh ta đã rút ra 1,5 tỷ để tiêu xài.
Tổng hợp các điều trên thì nam thanh niên này hoàn toàn có thể bị khởi tố vì hành vi chiếm đoạt tài sản của mình.
Vậy ngân hàng có lỗi ở sự việc này hay không? Phải xác định rõ lỗi gì, lỗi với ai trên phương diện pháp lý, không được cảm tính. Việc ngân hàng phải chịu trách nhiệm trả lại tiền cho chủ thực sự do lỗi hệ thống của mình, đó là điều tất nhiên. Ngoài ra tôi cho rằng ngân hàng không phải chịu bất cứ một trách nhiệm nào khác.
Sự cố xảy ra là điều không mong muốn và cũng không hề trái pháp luật. Kể cả việc lỗi hệ thống là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến việc làm trái pháp luật của nam thanh niên cũng không có nghĩa ngân hàng phải chịu trách nhiệm về việc đó.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.