Xung quanh thông tin 51 thí sinh được nâng điểm vẫn đang học tại các đại học sau khi được trả điểm thực, nhiều độc giả VnExpress bày tỏ sự bất bình:
"51 em được nâng điểm thi THPT quốc gia 2018 vẫn đang học tại các trường đại học, cao đẳng" nên được cho về nhà ôn luyện để năm sau thi tiếp. Không thể dung túng cho những hành vi sai trái. Làm vậy thì những thí sinh bị đình chỉ do mang điện thoại (chưa sử dụng) hay quên giấy tờ sẽ cảm thấy bất công.
Giơ cao đánh khẽ, bao che cho sai phạm sẽ làm hỏng tính nghiêm minh của giáo dục. Học sinh có tài mà có đức không? Sao để tiếp tục học như vậy? Các nước khác xem nước ta như thế nào? Du học sinh Việt Nam hiện nay vẫn chưa được các nước công nhận thành tích học tập ở trong nước là có lý do hết. Rồi công bằng của các phụ huynh khác như thế nào. Nông dân cho con đi học liệu họ có còn tin tưởng vào sự công bằng của Giáo dục - Pháp luật?
Chấm thẩm định điểm thực tế đủ điểm học cũng phải đình chỉ và cho những em này nghỉ học ngay. Đừng đổ thừa hết cho cha mẹ mua điểm mà các em không biết.
Trong trường đại học, quay cóp, sử dụng phao, điện thoại di động, hút chích (ma túy, chất gây nghiện), đánh nhau, vi phạm đạo đức... đều bị đuổi học. Vậy những thí sinh này ngay trước khi bước vào giảng đường đại học đã hưởng lợi sai trái từ một hành động có tổ chức ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả, còn nặng nề hơn cả việc "quay cóp hay sử dụng phao thi", mà không bị đuổi thì công bằng nằm ở đâu?
Xử lý như vậy liệu có công bằng và đúng theo quy chế mà Bộ GD&ĐT đã đề ra không? Điều 46 quy chế nêu rất rõ nên phải xử lý và buộc thôi học tất cả các trường hợp can thiệp điểm thi, dù đó là ai thì mới công bằng và giữ được nghiêm minh trong thi cử và không nhờn luật.
Sửa điểm là hành động sai, dù sửa ít hay nhiều, dù là ai tác động vào bài thi thì đều là vi phạm quy chế thi, chưa nói đến việc các học sinh và phụ huynh không thể không biết là bài mình sẽ được sửa điểm. Cho nên về lý là phải loại các thí sinh có bài thi bị sửa điểm. Đây là hậu quả pháp lý các thí sinh và phụ huynh, các cá nhân liên quan khác phải chịu cho hành vi gian dối của mình, đó mới là công bằng và tạo tiền lệ tốt nghiêm minh trong thi cử quốc gia
Nên áp dụng luật thừa kế trong trường hợp này. Cứ bài thi có yêu cầu sửa điểm từ gia đình thí sinh và đã được sửa điểm thì bài thi không hợp lệ, không có chuyện chấm lại, hạ điểm xuống mà đủ thì vẫn cho học.
Điểm chấm thẩm định theo tôi hiểu như vầy có đúng không: thí sinh làm bài được nhưng điểm thấp và làm đơn xin phúc khảo, sau khi chấm lại thì điểm tăng lên (do thí sinh tô đáp án mờ...). Còn việc nâng điểm rồi chấm lại nếu đủ điểm trúng tuyển thì tạm thời học tiếp là không thuyết phục. Ví dụ 15 điểm là trúng tuyển, trường lấy đủ chỉ tiêu từ trên xuống tới mức 16 điểm . Thí sinh nâng điểm đẩy các thí sinh đủ điểm đậu thành bị trượt. Khi chấm thẩm định lại được 15 điểm đủ đậu và được học tiếp, vậy đối với mấy em 16 điểm có công bằng không? Đã gian lận thì phải hủy kết quả thi. Quy chế đã quy định rõ.
Chấm điểm thẩm định lại mà đỗ vẫn đình chỉ bình thường, bởi đó là vi phạm nội quy chế thi, coi như đem các vật dụng hay vị phạm trong quá trình làm thi. Không dung túng, mất đi cơ hội của một số em có năng lực thực sự, vì như thế là quá bất công.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.