Về hiệu suất theo mùa, lượng nước mưa chảy tràn giảm cao nhất có những nơi lên tới 20 nghìn mét khối/tháng (khu vực đầu nguồn, nơi hệ số thẩm thấu cao) vào cuối mùa hè (tháng 10), tương ứng với 45% so với lượng nước mưa chảy tràn nếu không có thiết bị.
Tuy nhiên, ở khu vực có hệ số thẩm thấu thấp phía hạ lưu hay gần sông, mạng lưới thiết bị mỏng lượng nước mưa chảy tràn không thay đổi. Phía đầu lưu vực lượng nước mưa được thẩm thấu nhiều hơn do hệ thống được lắp đặt dày đặc hơn nhờ quỹ đất và khả năng thẩm thấu cao hơn (xem sự phân bố các thiết bị trên hình). Trung bình toàn lưu vực, lượng nước mưa chảy tràn giảm 10% so với trường hợp không lắp thiết bị.
Về mặt cân bằng nước khu đô thị: Tầng nước ngầm trung bình hàng năm được được bổ sung thêm 25% lượng nước dự trữ, thông lượng thẩm thấu tăng trung bình 51% trên toàn lưu vực so với khi không lắp đặt thiết bị. Lượng bổ sung tầng nước ngầm không đồng đều ở các khu vực khác nhau, cao nhất ở thượng nguồn tăng 260% và thấp nhất ở hạ nguồn do sự phân bố không đồng đều của hệ thống thiết bị lắp đặt, do khả năng thẩm thấu của khu vực và sự đồng thuận khác nhau của cư dân địa phương trong việc lắp đặt thiết bị.
Về hiệu quả trung bình theo mùa, kết quả mô hình cho thấy hệ thống hoạt động ổn định cả mùa mưa và mùa khô, với công suất thẩm thấu và dự trữ cao nhất với gần 40 nghìn mét khối nước/tháng tương ứng với lượng mưa 13.6 mm/tháng, đóng góp gần 50% khả năng thẩm thấu của lưu vực.
Tầng nước ngầm được bổ sung trung bình 63 nghìn m3 nước/tháng, trong đó từ thiết bị 17 nghìn m3 nước/tháng, chiếm 27%. Lượng nước được bổ sung thay đổi theo mùa, cao nhất lên tới hơn 100 nghìn mét khối/tháng, trong đó lượng nước bổ sung từ thiết bị chiếm từ 13-41%.
Kết quả nghiên cứu cho thấy rõ ràng thiết bị thẩm thấu và lưu trữ tạm thời nước mưa đóng góp đáng kể vào việc giảm thiểu nguy cơ ngập lụt thành phố, với công suất và hiệu quả được chỉ ra rõ ràng tại từng địa điểm, khu vực, thời gian trong năm. Lượng nước mưa chảy tràn giảm trung bình toàn lưu vực là 10%, lên tới cao nhất 45% tại khu vực có hệ số thẩm thấu cao, mật độ thiết bị dày đặc, và không đổi tại phía hạ lưu với hệ số thẩm thấu thấp, lượng thiết bị ít. Tuy nhiên, vấn đề ngập lụt và hệ quả thường xảy ra cục bộ. Do vậy việc nghiên cứu hiệu quả và dự báo nguy cơ ngập lụt cũng như là tác dụng của biện pháp phải được đánh giá theo không gian và thời gian cụ thể.
Về tác dụng lâu dài, hệ thống thiết bị giúp tăng cường trữ lượng nước ngầm lên tới 25%, giúp phục hồi cân bằng nước đô thị, giảm nguy cơ ngập lụt vào mùa mưa và nguy cơ hạn hán vào mùa khô. Điều này giúp thành phố nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và các nguy cơ, diễn biến thời tiết cực đoan.