Liên quan đến dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), một số ý kiến cho rằng nên phân công công tác giáo viên như lực lượng vũ trang (công an, quân đội). Đề xuất này có ưu điểm là khắc phục được tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên cục bộ; đảm bảo đầu ra cho sinh viên ngành sư phạm, góp phần nâng cao chất lượng đầu vào, thu hút được nhiều người giỏi...
Tuy nhiên, tôi cho rằng vấn đề là việc triển khai xét về mặt tổng thể sẽ rất khó khăn, thậm chí bất khả thi. Bởi các lý do sau đây:
Thứ nhất, đội ngũ giáo viên hiện nay không chỉ được đào tạo trong các trường sư phạm mà nhiều người còn học tập, công tác từ các ngành khác. Những người có chứng chỉ sư phạm, đủ điều kiện theo quy định đều có thể trở thành giáo viên mà không nhất thiết phải qua đào tạo chính quy. Điều này hoàn toàn khác với việc đào tạo trong các trường của lực lượng vũ trang. Mặt khác, nếu phân công công tác giáo viên sẽ phải đào tạo đa ngành, đa nghề và phải bỏ ra kinh phí rất lớn để xây dựng trường... Như vậy mới có đủ số lượng giáo viên, chưa kể nhiều lĩnh vực các trường sư phạm chưa đào tạo hoặc chất lượng còn hạn chế.
Ngoài ra, việc phân công công tác đối với giáo viên- có thể được hiểu chỉ những người đào tạo từ các ngành sư phạm mới được trở thành giáo viên, sẽ không thu hút được những chuyên gia đầu ngành ở các lĩnh vực khác tham gia giảng dạy. Đặc biệt là ở các ngành như y tế, kỹ thuật, luật, văn hóa, mỹ thuật, ngoại ngữ... vì không qua đào tạo trong các trường sư phạm!
Thứ hai, số lượng giáo viên rất lớn nên việc phân công sẽ khó. Trong khi đó, nhiều người giỏi, có năng lực sẽ mất đi cơ hội cạnh tranh, tự do thi tuyển nhằm lựa chọn được đội ngũ giáo viên giỏi tham gia giảng dạy. Cùng với đó sẽ dẫn đến tình trạng chây lười, tạo ra sức ỳ nhất định trong học tập, rèn luyện của những người học sư phạm. Bởi tâm lý đã vào được các trường sư phạm là... xong mà không cần cố gắng học tập, rèn luyện với suy nghĩ ra trường là có chỗ làm, việc làm.
Thứ ba, phân công công tác cho giáo viên sẽ tạo ra cảm giác quay lại cơ chế tập trung, kế hoạch, bao cấp trước đây. Điều này đi ngược lại với chủ trương cởi mở, thông thoáng theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lựa chọn nghề nghiệp việc làm phù hợp chuyên môn đào tạo hiện nay. Theo đó, Nhà nước hạn chế can thiệp vào các ngành, nghề trong xã hội, trừ một số ngành, nghề đặc thù bắt buộc như lực lượng vũ trang. Đó là chưa kể đến việc khi ngành giáo dục được thực hiện phân công công tác thì một số ngành khác cũng sẽ... "đòi hỏi" tương tự, như ngành y, ngành điện... Như vậy, sẽ gây rất khó khăn trong việc quản lý, điều hành, thậm chí quay về những bất cập về bao cấp, kế hoạch hóa ngày xưa.
Do đó, theo tôi không nên dùng biện pháp phân công công tác để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm. Có thể áp dụng các biện pháp khác như nâng lương, tăng phụ cấp nghề nghiệp và áp dụng các cơ chế đặc thù để đào tạo giáo viên, bố trí giáo viên ở vùng sâu, vùng xa.
Có như vậy mới tránh được việc "ôm đồm" của cơ quan quản lý nhà nước, vừa góp phần nâng cao chất lượng, thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.