Hiện nay ở Hà Nội cũng như các tỉnh thành mọc lên rất nhiều những "cửa hàng một giá" với cách thức trang trí rất bắt mắt và thu hút giới trẻ. Quy mô cửa hàng khá lớn và đều toạ lạc ở những vị trí đắc địa về kinh doanh. Tuy nhiên mặt hàng thì chủ yếu là đồ lưu niệm, mỹ phẩm, trang trí...
Đây không phải là sản phẩm tiêu dùng thiết yếu và có giá phổ biến từ 43 nghìn đồng/món. Tôi vẫn luôn tự hỏi: làm thế nào họ có thể bán được hàng và đủ lợi nhuận để liên tục phát triển chuỗi cửa hàng của mình như vậy?
Để giải đáp thắc mắc đó, tôi đã vào vai một khách mua hàng. Sau vài lần ghé thăm, tôi đã thật sự ngạc nhiên khi phân tích những yếu tố dẫn đến sự thành công của họ.
Xin phép được chia sẻ với các bạn trên quan điểm cá nhân như sau:
Đầu tiên phải nói đến thương hiệu: các sản phẩm bày bán được quảng cáo là đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản - hai "cường quốc" về sản phẩm làm đẹp, đồ lưu niệm. Độ chính xác đến đâu tôi xin phép không bàn đến. Nhưng chỉ riêng điều này đã ít nhiều mang lại sự an tâm khá lớn cho khách hàng khi đến đây.
Kế đến là về giá thành: Các sản phẩm có giá khá rẻ, chỉ từ 43 nghìn đồng một món và một số khác có giá cao hơn. Tuy nhiên, cửa hàng được dán nhãn "hàng đồng giá" từ đó thu hút khách hàng đến để mua hàng và rất nhiều trường hợp là "xem cho vui".
Tất nhiên, nguyên lý của hàng đồng giá là có những món khách hàng sẽ mua được rẻ nhưng cũng có những thứ khác có giá trị thấp hơn nhiều mà vẫn được bán ở mức giá bình quân đó. Tính ra thì chủ cửa hàng không có thiệt thòi gì cả. Đây gọi là: đánh vào tâm lý người mua hàng.
Một yếu tố khác phải kể đến liên quan đến chiến lược PR đó là hình ảnh người đại diện cho nhãn hàng. Đó ắt hẳn phải là những ngôi sao Showbiz gần gũi với giới trẻ, bởi đây là nhóm khách hàng chính mà nhãn hàng muốn nhắm vào. Tất cả những yếu tố trên đã đủ để kéo người tiêu dùng bước chân vào cửa hàng. Điều này thực sự quan trọng vì 80% khách hàng đã tới là sẽ mua hàng, dù ít hay nhiều.
Và lý do chính yếu nhất mà tôi nhận thấy là từ nghệ thuật trang trí, bày biện và chủng loại hàng hoá mà họ bán. Hàng hoá ở đây có thể thấy phần lớn là đồ lặt vặt, tức là mua cũng được mà không mua cũng không sao. Thế nhưng, chúng đều được sắp xếp, bày biện một cách cực kỳ bắt mắt, với những gam màu tươi sáng, hình thù ngộ nghĩnh. Và tất nhiên, vì mức giá được-cho-là-rẻ, chúng ta cũng chẳng ngại gì mà không sắm cho mình một vài món.
Chẳng hạn như tôi, bước vào cửa hàng với tâm thế "khảo sát" là chủ yếu, bản thân tôi lúc đó không có nhu cầu gì cụ thể. Nhưng xem này, miếng mút trang điểm màu xanh xinh quá, lại có hình mặt cười đáng yêu vô cùng; rồi mấy chai nhựa dùng để chia dầu gội, sữa tắm khi đi du lịch - chắc cũng có lúc cần; túi đồ chơi trẻ con màu vàng bắt mắt, lại thêm gói bông tẩy trang màu hồng...
Món nào cũng rẻ, có hơn bốn chục ngàn chứ mấy, mua thôi chứ nghĩ nhiều làm gì. Vậy là sau vài lần tặc lưỡi, tôi ra về với một túi lỉnh kỉnh đồ đạc và hoá đơn hơn 500 nghìn đồng.
Thêm vài lần nữa tôi đi cùng những người bạn, quan sát thấy họ cũng không khác gì mình, và bản thân tôi cũng phải kiềm chế lắm để không nhỡ tay "bốc" thêm một món hàng nào nữa. Vâng, vậy là chúng ta đã bị "rút ví" một cách không thể ngọt ngào hơn.
Đó cũng là lý do vì sao họ phát triển kinh doanh tốt như vậy, đó hẳn là một quá trình nghiên cứu kỹ càng về tâm lý tiêu dùng của đại bộ phận khách hàng nói chung và giới trẻ nói riêng, đó chính là một môn nghệ thuật thứ thiệt. Và việc tìm hiểu nó cũng mang lại cho tôi những cảm giác thú vị và mới mẻ. Vậy nên mới nói, mọi thành quả đều có nguyên nhân của nó, kinh doanh quả là không đơn giản đúng không ạ?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.