Khi nói về những nước xuất sắc nhất trong các kỳ thi Olympic về học thuật quốc tế, chắc chắn phải nhắc đến Việt Nam. Năm nào chúng ta cũng nhận được vô vàn tin vui với những huy chương vàng, bạc, đồng liên tiếp, những thủ khoa và những số điểm tuyệt đối trong các kỳ thi. Tuy tự hào, nhưng theo quan điểm của tôi, những giải thưởng này chưa chắc đã là một tín hiệu vui đối với nền giáo dục nước nhà.
Tôi từng giành được giải thưởng Học sinh giỏi Quốc gia Vật lý cách đây 7 năm. Ở trường, những học sinh được xem là giỏi như tôi luôn được chăm sóc đặc biệt, trong khi những bạn yếu kém thì gần như không một ai quan tâm. Đương nhiên bồi dưỡng và phát huy tài năng là một điều nên làm, nhưng tôi nghĩ việc chăm sóc kỹ các em yếu kém mới là thứ quan trọng hơn. Một nền giáo dục tốt là một nền giáo dục có chất lượng học sinh đồng đều, chứ không phải là nền giáo dục có em thì quá giỏi, còn nhiều em thì quá dở. Trong khi có một điều chắc chắn là số lượng học sinh không giỏi luôn nhiều hơn số lượng các em giỏi.
Cách luyện thi học sinh giỏi, thi Olympic cũng có phần rập khuôn, vô tình biến học sinh thành "trâu cày đề". Cách dạy này có thể giúp các em vững về cách giải các bài trong bài thi, nhưng nói về khả năng ứng dụng các kiến thức trong bài thi thì chưa chắc em nào cũng làm được. Việt Nam giành được nhiều giải Olympic trên trường quốc tế cũng dễ hiểu vì chương trình các môn khoa học tự nhiên ở nước ta có thể xem là khó hơn so với các nước khác. Bạn có thể so sánh chương trình giáo dục của chúng ta với các nước phương Tây để thấy sự khác biệt về độ khó.
>> Học sinh Việt có quá nhiều thứ 'học để quên'
Cần phải nhìn nhận khách quan, những thành tích cao ở các kỳ thi Olympic chỉ là mặt sáng nhỏ của nền giáo dục Việt Nam. Trong khi đó, nếu xem xét kỹ hơn, chúng ta còn quá nhiều vấn đề trong hệ thống giáo dục. Vụ sửa điểm tai tiếng năm 2018 là một trong những mặt tối ấy. Mỗi khi nhìn phổ điểm thi đại học, tôi lại thấy buồn khi mà điểm số ở các môn quan trọng như Tiếng Anh, Toán, Lý, Hóa hay thậm chí là Sử đều rất thấp.
Đừng đổ lỗi tại đề khó, bởi nếu học hành nghiêm túc thì lẽ ra thí sinh nào cũng có thể giành được ít nhất 6 điểm. Số lượng học sinh có điểm thi dưới trung bình thường nhiều hơn số bài thi trên trung bình, điều đó cũng phản ánh một phần nào đó về chất lượng giáo dục của chúng ta. Đương nhiên, ý thức của mỗi học sinh là quan trọng, tuy nhiên không thể nào bỏ qua được trách nhiệm của những giáo trình, cách giảng dạy trên trường lớp.
Quan điểm của tôi là cần chú trọng để tất cả các em học sinh đều đạt học lực khá trở lên mới là điều quan trọng nhất và đáng để một nền giáo dục tự hào, chứ không phải là các giải Olympic, các giải Học sinh giỏi. Nếu số lượng học sinh yếu kém quá nhiều thì những giải thưởng đó sẽ chỉ là "thành tích hão".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.