Nhiều độc giả cho rằng sở dĩ người nước ngoài được trả lương cao hơn người Việt vì giá trị mà họ mang lại cho công ty lớn, không một người chủ nào lại trả lương cao cho "kẻ chỉ biết chém gió":
Nếu các bạn làm chủ một công ty bạn sẽ hiểu tại sao họ trả lương như vậy. Họ nhận lương cao vì nhiều lý do nhưng chủ yếu là vì họ tạo ra giá trị cao cho công ty. Chẳng ai dại gì mà bỏ ra khoản tiền lớn mà không thu về được giá trị cao hơn hoặc tương đương cả. Cái giá trị đó không hẳn là tiền, nó có thể là một thứ khác nhưng cái giá trị đó luôn lớn hơn hoặc bằng số lương công ty trả.
Trả lương cho nhân viên ngoài năng lực thì còn xét tới thái độ làm việc, kỹ năng giao tiếp.
Nhiều người bảo người nước ngoài làm tương đương mình mà sao họ lương cao hơn thì bạn nên xét tới thái độ làm việc của bạn, cách bạn ứng xử trong công ty. Có khi cái đó bạn thua người ta nên lương thấp hơn. Còn nếu bạn cho rằng mọi yếu tố mình đều vượt hoặc bằng thì bạn cứ nghỉ việc bạn sẽ thấy bạn đúng hay bạn sai. Với nhân viên giỏi thì ông sếp nào cũng tìm cách giữ. Thậm chí chiều nhân viên như chiều con một vậy.
Còn nếu họ không giữ bạn thì nhận định của bạn về bản thân đã sai, và dù nhận định đúng thì công ty đó cũng không xứng để bạn làm. Nói thêm, nhiều người Việt rất giỏi (về năng lực và trách nhiệm ) đã nhận lương cao gấp chục lần lương của người nước ngoài không chỉ ở Việt Nam mà còn ở bên nước ngoài.
Lương cao đòi hỏi chuyên môn cao và trách nhiệm cao. Có gì đâu mà phân bì với người nước ngoài. Họ giỏi làm được việc và kiếm nhiều tiền cho công ty, đương nhiên lương họ phải cao. Cứ nhìn bảng xếp hạng năng suất lao động của Việt Nam so với các nước khu vực Đông Nam Á, người Việt có hiệu suất làm việc chỉ bằng 3,7% người Singapore. Chứ chưa so sánh tới các cường quốc khác chắc còn thua xa cả trăm lần. Nói vậy là cũng đủ hiểu lý do tại sao các công ty trả lương cao để thuê chuyên gia nước ngoài.
Tôi có tham gia công trường lớn do một tập đoàn Nhật Bản làm tổng thầu. Xếp theo thứ tự mức lương cho cùng một vị trí: Nhật Bản (dĩ nhiên), Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam (như nhau), Indonesia.
Tất nhiên anh kỹ sư Nhật Bản cặm cụi làm việc không giới hạn thời gian, vừa ngồi làm báo cáo vừa uống Sake. Mấy anh kỹ sư Việt Nam cuối tháng nào cũng cãi nhau với kế toán công trường một trận ra trò về cái bảng kê điện thoại bàn dài sọc, xem coi cuộc này ai gọi cả 50 phút, cuộc gọi kia chắc chắn không phải em gọi.
Tôi là một lao động, tôi muốn có thu nhập cao. Nhưng tôi hiểu rằng với công ty "tư nhân" thì cái đích của họ là lợi nhuận, và ai đóng góp nhiều vào lợi nhuận của họ sẽ hưởng lương cao, chả kể ta hay Tây đâu. Họ không trả tiền cho những kẻ chém gió.
Trước khi trả lời câu hỏi tại sao họ nhận lương cao hơn người Việt Nam thì hãy trả lời những câu hỏi sau: Vị trí này có nhất thiết là người nước ngoài không? Nếu không thì có người Việt nào đảm đương được vị trí đó với mức lương cho người Việt Nam (tiêu trí là trình độ ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm giao tiếp quốc tế...)? Nếu câu trả lời là có thì thuê người Việt làm.
Câu trả lời không thì đó chính là câu trả lời cho bạn, tại sao họ lại nhận lương cao. Cũng cần tính đến yếu tố, họ phải sống xa quê hương, ở một xã hội lạ thì được nhận thêm phụ cấp. Không phải là các công ty sính ngoại vô căn cứ đâu. Họ tính toán là yếu tố "ngoại" đó đem lại cho họ nhiều lợi ích hơn số tiền bỏ ra. Cũng có khi sự tính toán này là sai.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.