Xung quanh câu chuyện xe khách 45 chỗ chở 100 người từ Thanh Hóa đi Hà Nội, nhiều độc giả VnExpress đã có những chia sẻ từ trải nghiệm thực tế của bản thân.
Bên cạnh những ý kiến bức xúc trước hành vi nhồi nhét của nhà xe, nhiều người cũng cho rằng, lỗi một phần của thực trạng trên là bởi sự thỏa hiệp của chính hành khách:
Tình trạng nhồi nhét khách, xuất phát từ hai phía. Thứ nhất, người dân không chịu vào bến mua vé xe của các hãng vận tải uy tín, tâm lý ra đường vẫy cho tiện. Nhà xe cũng tranh thủ kiếm thêm dịp lễ Tết. Đi xe như thế này không ăn toàn, còn mệt mỏi. Mong cơ quan chức năng xử lý và mong mọi người chọn mua vé khi đi xe, tàu... tuy mắc một chút nhưng yên tâm không có tình trạng này
Thấy xe đông, nhồi nhét khách thì đừng bước lên, lựa xe nào ít người rồi hãy đi. Ý thức kém của một số hành khách muốn nhanh mà rẻ đã lan đến nhà xe, khiến lái xe nhồi nhét hành khách. Có cầu là có cung, trách ai bây giờ?
Nói đi cũng phải nói lại. Hành khách thấy xe như vậy mà còn dám trèo lên thì chính họ cũng tự coi rẻ mạng sống của mình.
Đừng đổ lỗi hết cho nhà xe. Biết nhà xe hết ghế thì đừng đi, nhưng vì cầu nhiều hơn cung nên mới có chuyện như thế.
Vấn đề là xe 'chật như nêm' mà hành khách vẫn chịu lên. Ngoài chuyện phạt tài xế, chủ xe, cảnh sát nên phạt luôn những hành khách bất chấp tính mạng mình và tính mạng người khác này nữa. Người nào không xuất trình được vé thì phạt gấp hai lần giá vé gốc.
Sao cứ trách bác tài xế, sao lại trách chủ xe? Kinh doanh ai chẳng ham lợi nhuận. Nếu ai cũng là hành khách thông thái khi thấy xe đầy thì không lên nữa thì chẳng nhẽ họ xuống lôi khách lên? Tài xế chỉ mang tội xem thường tính mạng của 45 hành khách lên trước, còn 60 hành khách lên sau họ đang tự coi thường mạng sống bản thân!
Qua vụ việc này người dân đi xe cũng phải chịu một phần trách nhiệm về ý thức tham gia giao thông và bảo vệ tính mạng bản thân. Người xưa vẫn dạy: "Con ơi nhớ lấy câu này, sông sâu chớ lội, đò đầy chớ lên".
Mặt khác, nhiều độc giả cũng cho rằng tâm lý chung của phần đông hành khách đi xe, muốn đi nhanh để khỏi lỡ việc nên sẵn sàng chấp nhận cảnh nhồi nhét:
Tôi từng đi chiếc xe như vậy từ Thanh Hóa ra Hải Phòng. Tôi ngồi trên một ghế nhựa, không còn lối đi. Ai mắc vệ sinh thì nhảy cửa sổ ra rồi leo vào lại, cảm giác lật xe thì chỉ có chết vì đè nhau. Ghê lắm nhưng nếu không đi thì không có xe và không kịp thời gian công việc.
Những chuyến đường dài không phải lúc nào cũng sẵn xe để đi. Quãng đường dài nên không có nhiều lựa chọn.
Nhiều tuyến xe ngày chỉ chạy 1-2 chuyến. Mà ngày lễ xe nào cũng đông như vậy, mình không lên thì chỉ có nước về nhà hôm sau đi. Chỉ có để qua ngày nghỉ rồi đi thì xe một mình một chỗ.
Ngày này có xe đi là tốt rồi. Anh, chị, em nào đi làm xa quê mà không có điều kiện xe riêng, taxi mới hiểu. Đứng đợi xe, chen chúc cả mấy tiếng đồng hồ còn chẳng lên được xe. Bác nào nói do nhà xe, tài xế... do cả người dân mình nữa. Nghèo đúng thật là khổ .
Những ngày lễ thì xe nào cũng vậy thôi. Tâm lý của mọi người là ai cũng muốn đi, chịu khó một tí để được về, nên chấp nhận việc nhồi nhét, không lên tiếng. Đặc biệt mấy xe đi qua các khu công nghiệp, công nhân về rất nhiều. Chỉ cần một chỗ để đứng, họ cũng chấp nhận. Nhà xe thì nhét càng nhiều họ càng có lời. Công an bắt được xe nào thì biết xe đấy. Tôi thấy các xe đều chở quá khách.
Có cung ắt có cầu. Không đáp ứng được nhu cầu đi lại vào dịp lễ tết thì còn nhồi. Khách cũng chấp nhận nhồi để về nhà. Và nếu bạn là người muốn về sớm nhưng hết chỗ thì chắc cũng sẽ chấp nhận để đi mà thôi.
Ngày trước tôi đi xe khách từ Hà nội về Thái nguyên cũng bị nhồi nhét. Hàng ghế 5 người thì bác tài nhồi 7 người ngồi. Phản ứng thì bác tài nói "ngày lễ xe nào cũng đông nên mọi người nhường nhau một chút để ai cũng kịp chuyến về quê". Nghe cũng có vẻ hợp lý nên dù bị nhồi nhét mọi người vẫn chịu đựng được.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.