Trước những ý kiến trái chiều của các chuyên gia về đề xuất thay đổi giờ làm, nhiều độc giả VnExpress bày tỏ quan điểm ủng hộ làm việc từ 8h30, nghỉ trưa 1 tiếng:
Làm trễ hay làm sớm thì cũng phải đủ 8h một ngày, vấn đề là giờ nghỉ trưa hiện nay quá dài, chính vì vậy nên ở công sở 11h người ta đã rục rịch đi chợ, và 14h cơ quan còn chưa bắt đầu làm việc. Đến 16h lại đi chợ, đón con. Tính ra giờ làm việc thực tế chỉ khoảng 6 tiếng. Đó là chưa kể ở các thành phố lớn, trẻ con phải dậy từ 6h để kịp ăn sáng và đến trường kẻo kẹt xe. Tôi ủng hộ làm việc từ 8h30 và nghỉ trưa 1 tiếng.
Môi trường làm việc nơi tôi đang làm nhân viên, từ năm 2015 đã thay đổi 8h30 bắt đầu - kết thúc tùy vị trí và thời điểm nhưng thường khối văn phòng thay vì 17h, họ tan tầm thì họ vẫn dành thời gian ở lại thêm 1 giờ để tránh kẹt xe giờ cao điểm. Ngoài ra, các khối/ mảng phòng kinh doanh còn linh động là tùy vào từng khách hàng mà có sắp lịch đến làm marketing.
Nhìn chung, thời gian mặc định là 8h hoặc 8h30 đối với cơ quan hành chính/ trường học là hợp lý. Đừng lấy lý do người nông thôn hay dậy sớm để né tránh thay đổi. Hãy đặt câu hỏi họ dậy sớm, đến sớm là vì sao?
Thời buổi công nghệ rất phát triển, việc các cuộc họp chỉ mang tầm cấp cơ sở từ huyện trở xuống địa phương nên hạn chế hoặc tận dụng công cụ trực tuyến để còn dành thời gian giản quyết chứng từ, thủ tục cho nhân dân. "Dân giàu thì nước mới mạnh" đó là quy luật.
Thật ra, bắt đầu muộn lại rồi khỏi cho nghỉ trưa. Cứ kề cà rông dài buổi trưa làm việc tự dưng mất hiệu quả. Nhiều dịch vụ công người dân cần, muốn tranh thủ trưa tới giải quyết nhu cầu thì đóng cửa triền miên. Cứ đổ tại khí hậu gây mệt mỏi cần phải được nghỉ trưa, chứ thực ra khi làm muộn lại, đâu quá mệt? Hơn nữa khi đã làm việc thực sự, cảm giác uể oải mệt mỏi cũng không còn, thừa sức làm rồi chiều tối kết thúc gọn gàng về sớm được.
1. Khi thay đổi khung giờ lao động, là thay đổi đổng bộ. Bà con ở nông thôn thức sớm 5-6 giờ sáng để trồng trọt, chăn nuôi hoặc đi chợ là tuỳ hoàn cảnh kinh tế gia đình của họ. Khi có việc cần đến cơ quan thì vẫn có thể đến lúc 8h30. Nông nghiệp vốn có giờ giấc không cố định, đâu thể lấy cái chuyển động làm mốc cho cái cố định như khối hành chính, kinh tế?
2. Quy định giờ làm việc là cho khối hành chính, kinh tế,... chứ không ai quy định người nông dân 8h30 mới được vác cuốc ra đồng. Khối hành chính, kinh tế đều làm việc trong nhà, không ảnh hưởng gì đến nắng sớm từ 7h.
3. Khoa học chứng minh là buổi trưa chỉ cần chợp mắt 15-20 phút là đủ, ngủ nhiều hơn lại gây mệt mỏi cho ca chiều. Vì vậy, không cần nghỉ trưa 1,5 tiếng. Rút ngắn được thời gian ở công ty (nghỉ trưa) có thể giúp người dân tranh thủ cho các việc cá nhân.
Thời gian làm việc nên chia sáng 8h-12h, chiều từ 13h-17h là tốt nhất. Buổi sáng bố mẹ có thể lo cho con cái họ nhiều hơn, buổi chiều về cũng vẫn còn thời gian cho gia đình. Làm như hiện nay thời gian trống khá nhiều Nên thay đổi để tiết kiệm công sức cho mọi người. Và ta sẽ tiết kiệm hàng nghìn tỷ cho nhân dân.
Theo tôi 8h30 là giờ thực sự bắt đầu làm việc là hợp lý. Ai còn cà kê là xử lý kỷ luật ngay. Mọi công tác chuẩn bị phải làm trước đó hoặc phải chuẩn bị từ chiều hôm trước. Quy định làm việc 7h mà không có cơ chế kiểm soát cũng không có ý nghĩa gì. Tôi không quơ đũa cả nắm nhưng chứng kiến nhiều trường hợp như vậy rồi.
Vấn đề không phải là khí hậu, toàn thế giới khí hậu khác nhau so sánh làm gì? Quan trọng đất nước bây giờ theo công nghiệp hiện đại thì phải theo thế giới. Cuộc sống hiện đại hoạt động về đêm nhiều hơn nên dậy sẽ muộn hơn. Để đảm bảo sức khỏe nên để giờ làm việc muộn hơn.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.