Kiến trúc sư Lê Hải (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ giải pháp làm sạch sông Tô Lịch:
Từ những năm 90, khi còn đi học cấp 3 tại trường THPT Quang Trung (Hà Nội), điều ấn tượng nhất với tôi là hàng cây xà cừ trên đường Nguyễn Trãi, đường Láng và dòng sông Tô. Qua năm tháng, hàng xà cừ trên đường Nguyễn Trãi đã không còn, sông Tô Lịch gần 30 năm nay vẫn bốc mùi như thế và thậm chí còn nặng hơn.
Vào mùa hè, khu dân cư phía Bắc sông hứng chịu mùi hôi vì gió Đông Nam tạt từ sông lên. Đến mùa đông, dân cư phía Nam sông lại khó chịu vì mùi do gió mùa Đông Bắc đẩy xuống. Có lẽ, người dân Hà Nội đã quá "quen" với thứ mùi này nên bao năm nay chưa có phương án xử lý. Trước đây, dòng Tô Lịch được coi là ngoại thành Hà Nội, nay chạy cùng nó là đường vành đai 2 và là trung tâm Hà Nội nên số người dân chịu khổ vì dòng sông ô nhiễm là không nhỏ.
Là người dân Hà Nội thường xuyên đi qua khu vực này và qua các bài viết ý kiến gần đây về cải tạo sông Tô Lịch, tôi xin đưa ra phương án "Cống ngầm sông nổi":
1. Giải pháp kỹ thuật:
Đặt cống hộp dưới lòng sông.
2. Mục tiêu đạt được:
- Giảm 99% mùi hôi của sông (mùi hôi chỉ còn có tại vị trí các cửa xả).
- Nước sông Tô Lịch sạch sẽ, hoàn toàn có thể tắm được.
(>> Xem thêm: 'Pha loãng' nước thải sông Tô Lịch)
3. Các thông số kỹ thuật của phương án:
- Toàn bộ nước thải xuống sông chảy qua cửa xả và chảy liên thông xuống các công cống ngầm, dự kiến cứ 250m chiều dài hai bờ sông đặt một cửa xả. Tại cửa xả đặt lưới chắn rác và hố ga lắng cặn, mục tiêu chặn rác, đất, cát chảy vào lòng cống hộp.
- Dọc theo bờ sông, cứ 2km nước từ cống sẽ chảy vòng qua bể lắng trên bờ rồi chảy ra cống, mục đích là lắng, lọc thô các chất thải một lần nữa và giảm mùi hôi của nước bằng cách đưa chất vi sinh vào bể lắng, khu bể lắng có kích thước khoảng 20x20m đến 40x20m, được đậy kín bằng tấm đan và bố trí các van xả khí nhằm cho dòng nước lưu thông.
- Cao độ mặt trên của cống hộp trùng với cao độ đáy sông của lớp bùn, nhằm giữ nguyên lưu lượng nước của sông hiện tại.
- Tại vị trí thượng nguồn sông kích thước cống hộp 2mx2m hoặc 3mx2m, tại vị trí hạ nguồn đặt cống hộp kích thước lớn hơn là 3mx3m hoặc 4mx3m nhằm đảm bảo thoát đủ lưu lượng nước thải 150.000m³/ ngày đêm.
- Chiều dài cống ngầm khoảng 12km từ đầu nguồn Nghĩa Đô đến nhà máy xử lý nước thải dự kiến đặt ở khu ngã ba sông Tô Lịch tại Thanh Liệt.
4. Ưu điểm và hiệu quả của phương án:
- So với các phương án cống hoá toàn bộ sông, dòng sông Tô Lịch vẫn còn nguyên vẹn, và đã "lột xác" thậm chí thành điểm du lịch đường sông như Venice.
- Cấp nước cho sông là hệ thống thoát nước mặt (nước mưa) và nước xả từ Hồ Tây vì vậy nước sông sạch sẽ hoàn toàn có thể tắm được.
- Việc đưa nhà máy xử lý nước thải xuống Thanh Liệt hoặc khu vực xa trung tâm nhằm giảm chi phí về đất đai xây dựng. Cống ngầm dưới sông cũng giảm chi phí giải phóng mặt bằng và đền bù hơn so với đặt hệ thống cống thu gom dọc hai bên bờ sông.
- Tại những miệng cống lớn từ các khu dân cư đổ vào sông, đặt luôn cửa xả vào đó nhằm giảm xây dựng đường ống dẫn vào cửa xả.
- Việc đặt số lượng ống cống là bốn giúp cho xây nhà máy xử lý linh động theo một tuyến cống là 37.500m³/ ngày đêm, hai tuyến cống là 75.000m³/ ngày đêm thay cho việc xây một nhà máy lớn công suất 150.000m³/ ngày đêm. Việc xây dựng cũng đơn giản vì có thể ngăn một nửa dòng sông để thi công trong khi nửa còn lại vẫn thoát nước.
(>> Xem thêm: Giải pháp công nghệ tình thế không thể làm sạch sông Tô Lịch)
5. Các vấn đề khác:
- Nếu không còn nước thải, liệu sông Tô Lịch có nước không? Lúc đó, nên để nước chảy từ Hồ Tây vào sông thường xuyên hơn, nếu độ dốc sông lớn thậm chí cần xây đập tràn để giữ nước.
- Vấn đề về kinh phí xây dựng cũng không nhỏ, cống ngầm 12km x 150 triệu/m = 1.800 tỷ đồng; xây dựng cửa xả, nhà máy xử lý nữa tổng kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng.
Trên đây là phương án đưa ra cải tạo sông Tô Lịch của tôi, rất mong có các ý kiến của các chuyên gia góp ý về ưu nhược điểm cũng như tính khả thi của đề xuất.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.