Trước trận đấu giữa Việt Nam và Malaysia cả tuần, rất nhiều người đặt câu hỏi về đội hình xuất phát của đội tuyển. Đợt tập trung này tương đối dài, số lượng tuyển thủ cũng khá đông, rất nhiều thời gian để HLV Park chọn lựa nhân tố mới cho tuyển. Nhưng đội hình xuất phát của chúng ta hoàn toàn không bất ngờ với 100% các tuyển thủ quen mặt: hàng công vẫn là Văn Toàn, Công Phượng, phía sau là Quang Hải, hàng tiền vệ và hậu vệ cũng y hệt trận gặp Thái Lan.
Câu hỏi nhiều người hâm mộ đặt ra là tại sao Văn Toàn và Công Phượng xuất phát ngay từ đầu? Toàn chỉ có tốc độ. Phượng còn tệ hơn, đi bóng tối, cảm giác bóng không còn do dự bị ở Bỉ. Anh Đức vào sân thay người ở hiệp 2 lại sở hữu cơ hội rõ ràng hơn nhiều, chỉ có may mắn mới giúp Malaysia không bị nới rộng tỷ số lên hai bàn. Tôi xin nêu 3 quan điểm chuyên môn sau nhiều năm chơi và xem bóng đá:
1. Công Phượng đã bào mòn sức rướn của hậu vệ đối phương. Sức một cầu thủ chạy 10-13 km trong 90 phút là điều khá bình thường. Thậm chí đối với vùng trũng về bóng đá như Đông Nam Á. Vậy tại sao cũng chạy giống nhau nhưng chúng ta lại bị đánh giá thể lực yếu hơn? Đó là số lần tăng tốc và cả cự ly. So sánh với Quang Hải, anh rất nhanh nhưng chỉ trong phạm vi 5m, sau đó thấy thấy rõ khuyết điểm về hình thể và sải chân ngắn bộc lộ.
>> 'Malaysia rất sợ Công Phượng'
Cái hay Quang Hải là xử lý trước khi đối phương theo kịp. Nhưng Toàn và Phượng có thể ép hậu vệ đối phương phải bứt tốc đuổi theo 15-20m. Hậu vệ Malaysia thậm chí còn phải vượt trước hoặc chạy qua mặt mới ngăn được tình huống nguy hiểm do Toàn, Phượng tạo ra. Cả hai thay phiên nhau bứt tốc từ những đường chuyền dài của đồng đội, điều này tác động rất nhiều đến thể lực của hậu vệ đối phương. Nếu ai từng chơi bóng đều biết thể lực không chỉ ảnh hưởng đến sức chạy mà cả khả năng phán đoán, nhanh nhạy, đọc tình huống bóng, thậm chí tâm lý buông bỏ khi đuối sức là có. Việt Nam của chúng ta thế hệ trước toàn thua Thái Lan, Indonesia phút cuối cũng vì không đủ tỉnh táo phút cuối trận.
Khi Anh Đức vào thay Công Phượng, ta thấy rõ hiệu quả của việc bào sức. Hậu vệ biên Malaysia đã không thể theo kèm được những pha bứt tốc của Trọng Hoàng trước khi chuyền vào trong, còn hậu vệ giữa cũng chỉ đứng im nhìn Anh Đức đệm bóng cận thành.
(Cùng tác giả: 'Quy trình niềm tin' khiến chuyện lương của HLV Park bị đem ra mổ xẻ)
2. Nhân tố phù hợp chiến thuật của HLV Park bao năm nay. Có ai từng hiểu cảm giác vào sân đá với những đồng đội ít gặp? Chạy chỗ không được, chuyền bí, nhận đường chuyền cũng không, sút cũng bị nói mà không sút cũng bị nói... Nếu đã trải qua mới hiểu được đội hình quen thuộc quý giá đến cỡ nào, bọc lót dễ, chuyền chạy đỡ mệt. Đợt tập trung này, ông Park đã gọi rất nhiều cầu thủ mới như Mạc Hồng Quân, Hà Minh Tuấn, Tô Anh Vũ, Huy Toàn. Số khác có lẽ chưa phù hợp với chiến thuật như Tiến Linh. Có thể họ đá ở CLB rất thành công nhưng khi đưa vào một đội hình mới, một chiến thuật khác lại không thích nghi được. Nhiều người kêu gọi tạo cơ hội cho các cầu thủ khác nhưng tôi chắc chắn ông Park đã đi khảo sát và cả những lần tập trung ngắn hạn để đánh giá cá nhân nào phù hợp với chiến thuật của ông nên kiếm nhân sự tại hàng tiền đạo thay thế cho Toàn, Phượng lúc này là quá khó.
>> 4 phương án dùng Công Phượng đánh bại Malaysia
3. Bài toán thay thế Anh Đức. Đây là mẫu tiền đạo số 9 điển hình, xuất sắc trong vòng cấm còn sót lại của thế hệ trước. Tuy nhiên thể lực hao mòn do tuổi cao. Sự thính nhạy, chơi đầu tốt, kinh nghiệm của anh có lẽ chúng ta cũng chỉ nhìn thấy được thêm 1-2 năm nữa. Anh Đức đã có kế hoạch chia tay tuyển quốc gia. Vậy ai là người thay thế cho lão tướng này khi Phượng và Toàn thật ra chỉ là tiền đạo cánh? Tiến Linh, Đức Chinh, Hồng Quân đều sa sút phong độ, bị đẩy xuống đá tiền vệ ở CLB nhường vị trí đá cắm cho Tây. Điều đó buộc ông Park phải để đội hình ra sân không hề có một số 9 thực thụ.
Đội tuyển có thể không quy tụ tất cả các cá nhân xuất sắc nhất, nhưng đó là tập thể mạnh nhất nếu đứng trên sân cùng nhau. Kết quả đã được chứng minh qua 5-6 giải đấu thành công trong 2 năm qua. Tôi nghĩ các fan nên nhìn ở nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau để đánh giá sự việc. Không chỉ riêng bóng đá mà cả trong cuộc sống, trân trọng giọt mồ hôi của từng cầu thủ đã đổ ra vì nước nhà và bớt chia rẽ bè phái hay chỉ trích cầu thủ dù thương hay ghét, mới có thể cùng nhau phát triển.
Xem nhiều trong ngày:
> Nhà hàng Panorama Mã Pì Lèng 'đẹp mấy cũng phải tháo dỡ'
> 3 nhà hàng xóm cùng karaoke 'tra tấn' gia đình tôi
> 'Việt Nam có quá ít công dân toàn cầu'
> Mã Pì Lèng 'đừng đi theo vết xe đổ Đà Lạt'
> Cưới lúc thất nghiệp, giờ thu nhập 300 triệu đồng
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.