Cách đây mấy năm, mẹ tôi đi học ở một trường cao đẳng cộng đồng tại Mỹ. Mẹ học cùng lớp với một người đàn ông tuổi trung niên mới qua Mỹ được vài năm. Gặp người đồng hương lớn tuổi nên ông: "Hồi ở Việt Nam mình kiếm ra tiền, 5 triệu,10 triệu dễ dàng, đem tiền về nói gì vợ cũng nghe. Bây giờ tôi làm được 11 đô la một giờ, vợ tôi làm chăm sóc móng tay. Tôi chỉ đưa cho vợ có mấy đồng thành ra nói gì vợ cũng bàn khác. Tối về còn phải bỏ đồ vô máy giặt, có bữa vợ về trễ, tôi phải tự nấu cơm". Đôi mắt của người đàn ông oai hùng giờ đã đỏ hoe.
Một lần khác mẹ tôi đi trên chuyến bay từ Việt Nam qua Mỹ. Ở hàng ghế bên cạnh là một gia đình ba người, ba mẹ đứng tuổi và cô con gái chừng mười tám. Người đàn ông đó mắng vợ không tiếc lời suốt mấy tiếng, tuy không lớn tiếng nhưng cũng đủ để mẹ tôi nghe hết câu chuyện. Người chồng trách vợ là không tròn bổn phận, là đồ ăn bám. Cô con gái nước mắt lưng tròng nói vài lời can ngăn cha. Mẹ tôi muốn nhắc ông ấy bớt ồn nhưng không dám bởi vì sợ họ biết là mẹ tôi đã nghe hết câu chuyện của nhà họ.
Mẹ kể lại câu chuyện, tôi nghe xong chỉ nói là "Mấy bữa nữa nhà đó tới Mỹ thì cũng như bạn học của mẹ thôi. Vợ với con gái đi làm thẩm mỹ ra tiền, ông chồng chắc lại đi làm hãng hay bưng phở, rồi xem ai chửi ai".
Công cuộc chuyển đổi từ những người đàn ông Việt chịu nhiều áp lực sang những người đàn ông sống ở đất nước văn minh nam nữ bình quyền đã diễn ra như vậy đó.
Nhiều người đàn ông cho rằng nấu cơm, quét nhà, giặt đồ là chuyện lặt vặt của phụ nữ. Những việc đó có nhỏ hay không thì cũng tùy quan điểm. Nhưng nếu là nhỏ thực thì tại sao mấy người đàn ông lưng dài vai rộng lại sợ đến bỏ mặc, quyết tâm không làm, kể cũng lạ.
Việc ngoài xã hội to lớn, đàn ông phải chăm lo sự nghiệp, kiếm ra tiền để nuôi vợ con. Nhưng sao phụ nữ vẫn phải đi làm, vẫn phải kiếm ra tiền để phụ giúp gia đình? Nhưng kỳ lạ nhất là mấy người đàn ông đi làm rồi về nhà mắng mỏ vợ là không biết chu toàn việc nhà, trong khi không chịu coi lại là mình kiếm được cái gì, còn vợ kiếm được cái gì. Có người vợ nào chỉ ở nhà làm nội trợ mà bắt chồng phải phụ giúp việc nhà không?
Lời than thở về mấy món quà ngày Valentine, ngày 8/3, ngày 20/10, hay là chuyện đi ăn đàn ông phải trả tiền mới là thê thảm. Mấy ngày đó đàn ông nếu có tặng quà thì tặng cho ai?
Họ tặng cho người yêu, tặng cho vợ, hay nhiều lắm là tặng thêm cho mẹ. Mẹ thì công ơn sinh thành không kể hết, chả lẽ lại ki bo mấy món quà? Vợ là người chăm sóc cho gia đình cho mình hằng ngày, tặng quà là chuyện có đi có lại. Người yêu thì đó là để tạo cảm tình, người ta yêu nhau thì sau này thành vợ chồng, quà cáp là một món đầu tư.
Ở phương Tây thì chỉ có Valentine là nam giới tặng cho phụ nữ, chứ còn mấy ngày phụ nữ thì không ai kỷ niệm gì. Lý do khá đơn giản, phụ nữ phương Tây ít bị kêu hy sinh cho các đấng nam nhi. Thường ngày chồng họ đã vào bếp nấu nướng hay giặt đồ, họ không cần chờ tới một ngày trong năm để thấy các ông vào bếp hay bưng một món quà tới.
Những món tiền mà nam giới bỏ ra trong một vài ngày trọng đại hay ít bữa ăn ngoài xã hội cho phụ nữ, mỗi năm chắc được chừng nửa tháng lương của người giúp việc. Cái mà phụ nữ đưa lại cho người đàn ông là công sức giúp việc suốt cả năm, cộng thêm trách nhiệm chăm sóc con cái, và sự giúp đỡ tình cảm mà trên đời này không ai làm được ngoài vợ. Các ông có ai tâm sự với người nào ngoài vợ không? Trên chiếu nhậu đàn ông chỉ khoe khoang, chứ những nỗi lo thường ngày đâu có ai đem lên bàn nhậu.
Có những người đàn ông đòi phụ nữ "xuống nước" trước trong công cuộc bình quyền. Phụ nữ phải không đòi quà, không mong đàn ông trả tiền khi đi ăn, bỏ đi cả mong ước kiếm được chồng làm ra tiền. Phụ nữ phải chấp nhận mấy anh sự nghiệp hẻo lánh. Xong hết rồi thì các anh mới chịu bình đẳng, mới chịu vào bếp, mới chịu giặt giũ, mới chịu chăm sóc con.
Nhưng cái đó thì mấy trăm năm trước đã có rồi. Lúc đó, có ai biết ngày lễ tình nhân, ngày 8/3? Lúc đó nam nữ đâu có đi ăn chung. Vậy mà các ông lúc đó có làm việc nhà có giúp đỡ phụ nữ không? Mong muốn các chị không mong chồng mình thành công trong sự nghiệp là kỳ lạ nhất. Các anh xem những người đàn ông không kiếm ra tiền kìa, nếu họ cũng kiếm được những người phụ nữ giỏi đủ việc thì các anh phấn đấu để làm gì?
Có lẽ các anh nên mong muốn đi qua Mỹ thì hơn. Ở đó các anh không phải tặng quà ngày phụ nữ, nam nữ hẹn hò thì sau lần đầu tiên thường sẽ cùng trả tiền, bạn bè đi chơi nguyên nhóm thì mỗi người tự trả tiền.
Các anh có thể cũng sẽ chẳng phải phấn đấu gì, chỉ lo làm mấy công việc đơn giản như bưng phở hay công nhân. Khi đó các anh sẽ xông pha vào bếp hay giặt giũ như người đàn ông kể trên.
Chúc các anh hạnh phúc.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Khanh