Nhiều người Việt làm khổ nhau trên bàn nhậu bằng cách nài ép người khác uống bia, rượu: "Tôi làm trưởng phòng kinh doanh ở một công ty lớn, phải đi nhậu thường xuyên nhưng tôi uống khoảng 2-3 lon bia là dừng. Khách bắt bẻ, sếp bắt lỗi...thực sự rất mệt mỏi", độc giả Đoàn Nghĩa.
Cùng câu chuyện nhậu nhẹt trong công sở, độc giả Ku Bom chia sẻ thêm: "Công ty cũ của tôi, mỗi lần có đám cưới nhân viên hay tiệc tùng, ai biết quan hệ nhậu (khác người biết nhậu nhé) thì thay nhau tới bàn sếp cụng ly, rồi lúc sau sếp qua bàn những người đó đáp lễ. Chứ sếp cũng chẳng qua mấy bàn nhậu không cùng gu, có qua thì cũng gượng gạo. Nhậu tạo sự thân thiện trên bàn họp của sếp và nhân viên biết quan hệ nhậu, ai không biết nhậu là mất 50% cơ hội thăng tiến trong công việc".
"Nhiều người Việt đi ăn nhậu rồi chụp ảnh đưa lên Facebook. Mới đầu nhìn thấy tưởng họ có cuộc sống viên mãn nhưng thực tế thì cũng có nhiều người dở khóc dở cười.
Lương ba cọc ba đồng, thằng bạn tôi 40 tuổi mới lấy được vợ, liền một lúc đẻ ba đứa con (trong vòng 5 năm), gia cảnh khó khăn, nhà chưa có, đi ở thuê, vậy mà cứ liên tục đưa vợ con đi du lịch, đi nhậu cùng bạn bè. Nhìn thấy những bức ảnh vui chơi nhậu nhẹt nhà hàng sang trọng của bạn tôi thì ai cũng phải ghen tị. Nhưng có ai biết rằng vợ chồng nó gần 50 tuổi rồi mà chỉ có một cái xe máy cũ, nhiều khi còn không có cả tiền về quê, không đủ tiền đóng học cho con. Vậy nhậu để làm gì", Trịnh Hải.
Độc giả hồng bát kể từ lúc bỏ nhậu đã có thêm nhiều bạn bè, thú vui mới: "Tôi cũng từng bị vướng vào cái văn hóa thấp kém này. Giờ không cần bè bạn nữa. Lâu lâu thèm tự mua vài lon về uống với gia đình. Hóa ra tôi có được vài người bạn khác hay ho hơn nhiều, gặp nhau chỉ cần cafe là đủ.
Vừa ít tốn kém vừa giữ gìn sức khỏe, có thời gian học thêm âm nhạc hội họa, đời sống tinh thần khác hẳn, năng suất làm việc tốt hơn nhiều. Tôi không tẩy chay ăn nhậu, nhưng mong muốn mọi người thay đổi kiểu văn hóa thấp kém này".
"Tôi chỉ thích ngồi với bạn bè uống một, hai cốc cho vui rồi nói chuyện tâm sự, ăn uống. Tôi ghét nhất cái kiểu cứ ép uống, đặc biệt là trong đám tiệc. Uống một vài ngụm xã giao, không hết ly thì cảm giác người ta nhìn mình như không hài lòng, đi một mạch như chưa hề quen biết. Cũng do uống ít nên tôi cũng có ít bạn bè, nhưng họ hiểu và tôn trọng mình...", độc giả nhan tran.
Độc giả Tuấn Mạnh thì cho rằng: "Chuyện nhậu nhẹt chẳng có gì phải bận tâm đến nó chi nhiều.
- Nhậu cùng những người thân quen, biết tính tình với nhau thì có tranh cãi nảy lửa trên bàn nhậu cũng chẳng sao, vui là chính. Nếu căng quá thì chuyển sang chủ đề khác. Thông thường người ta chỉ cãi nhau với bạn thân quen chứ người mới gặp lần đầu hoặc quen sơ sơ thì phần lớn đều giữ kẽ.
- "Đô" nhậu mình đến đâu thì mọi người đã biết, bạn bè chẳng ai ép hoặc khích bác nhau.
- Hạn chế tối đa ngồi nhậu với người hay gây sự. Nên dừng sớm hoặc từ chối đi nhậu là cách tốt nhất. Bạn bè hiểu nhau, giúp đỡ nhau lúc khó khăn chứ ai giúp nhau trên bàn nhậu bao giờ, "tránh voi chẳng xấu mặt nào".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.