"Trăm năm bia đá cũng mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ". Ở bất cứ một cộng đồng xã hội nào dư luận cũng tồn tại, mang cả mặt tích cực và tiêu cực.
Để tránh bị mang tiếng thì bất cứ cá nhân đều phải cân nhắc điều mình định nói hay định làm có bị phản ứng/ lên án từ dư luận (nghĩa là có xung đột với qui tắc ứng xử chung, đã được cộng đồng đó thừa nhận) hay không?
Về mặt tích cực, dư luận là nhân tố căn chỉnh và định hình nếp nghĩ, uốn nắn hành vi, hướng tới các giá trị chung mà một cộng đồng đó thừa nhận. Phản ứng từ dư luận cũng là biểu hiện của một xã hội có phản biện, hướng tới tự do ngôn luận.
Tuy nhiên, không phải cá nhân nào trong "làn sóng dư luận" kia cũng hướng tới sự tích cực hay "lành mạnh" trong phát ngôn của mình. Có những điều "từ miệng người này sang người khác" đã trở thành sự đồn thổi (đi quá xa với sự thật ban đầu); có những phát ngôn mà người nói chỉ nói cho "sướng miệng", huênh hoang cái Tôi (vì sĩ diện), thậm chí bôi nhọ hay ác ý...
Những điều này gây vết thương lòng không thể xoa dịu, thậm chí khiến người được đề cập "không thể cất mặt" hoặc ra đi vĩnh viễn đầy ẩn ức... Ảnh hưởng của dư luận lớn đến nỗi còn có thể bóp nghẹt đi bản diện cá nhân, khiến bao người không thể sống đúng với ước mơ, con người thực sự của mình.
Chớ nên quan niệm "lời nói, gió bay" một cách bâng quơ, lời ta nói còn chi phối tới số phận, thậm chí cả sinh mệnh một con người.
Sự sáng tạo, khác biệt hay tư duy độc lập sẽ không thể hình thành và đột khởi nếu ai ai cũng sợ "mang tiếng" trước dư luận. Mỗi cá nhân giữa cộng đồng đều có quyền tự do ngôn luận, nhưng sự nhận định hay đánh giá đều cần óc sáng suốt (đề cập đúng đối tượng, đúng vấn đề; giới hạn đề cập ở đâu), khách quan, công tâm, tích cực và nhân văn.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.