Hiếm có nơi nào thuận lợi để nhậu nhẹt như ở xứ ta, từ miền quê đến thành phố. Giá rượu bia khá rẻ so với các nước lân cận như Thái Lan, Singapore... Tụ tập ăn nhậu theo nhóm chia ra tính tiền, mỗi người chỉ tốn từ vài chục đến vài trăm đã có buổi nhậu thoải mái.
Trong lần đi nhậu với nhóm công nhân xây dựng sau ngày làm việc, uống bia hơi, quan sát tôi thấy quán rất đông khách, phần lớn là sinh viên, dân lao động... Trong cuộc nhậu, các công nhân trò chuyện rôm rả xen lẫn những tiếng chửi thề ở bàn bên cạnh, một người kể: "Hôm qua, 8 đứa nhậu cả buổi, uống vài chục lít bia chỉ 125.000 đồng, tiền mồi khoảng 200.000 đồng, cộng lại là 325.000 đồng, chia đều mỗi đứa chỉ tốn 40.000 đồng. Uống rượu đế càng rẻ hơn".
Chưa kể nhiều trường hợp tụ tập nhậu nhẹt tại nhà, chung cư, khu dân cư rồi hát karaoke bằng loa di động ảnh hưởng những người xung quanh. Tình trạng này ngày càng tăng.
>> Nhậu và karaoke, hai 'đặc sản' ở quê tôi mùa lễ hội
>>Nhân viên trưa uống rượu tiếp khách, tôi cho nghỉ luôn buổi chiều
Nguy hiểm nhất là uống rượu bia mà vẫn lái xe, nhiều người biết nhưng vẫn cứ uống. Trong lần đi đám cưới người thân, ngồi chung bàn, qua trò chuyện, tôi thấy một số thanh niên nói với nhau về cách đối phó khi gặp cảnh sát giao thông nếu có đo cũng không đủ nồng độ cồn để xử phạt. Nào là súc miệng, nhai kẹo cao su, uống cà phê hoặc nước ngọt có gas, ngậm máy đo thì hít vào chứ đừng thở ra, kể cả cách thức xin bỏ qua bằng cách khóa cổ xe rồi dấm dúi vài trăm ngàn cho cảnh sát giao thông... Đối phó kiểu này chẳng khác nào tự hại mình, gây mất an toàn. Sao không từ chối uống khi biết mình sẽ lái xe?
Rượu bia dùng trong các bữa tiệc vốn là một nét văn hóa ẩm thực không chỉ riêng nước ta mà còn ở một số nước phát triển, uống vừa đủ giúp ăn ngon miệng, kích thích tiêu hóa. Nhưng ở xứ ta, nhiều người lạm dụng rượu bia để nhậu, uống tới mức say xỉn rồi mất tự chủ. Kéo theo đó là các hệ lụy dễ dẫn đến tranh cãi, ẩu đả, mất an ninh trật tự, liều mạng lái xe. Chưa kể chuyện giảm sút năng lực nhận thức, trí tuệ, sức lao động, nòi giống dân tộc.
Bất kỳ ai cũng có thể nhậu cả nam lẫn nữ từ công nhân, học sinh, giáo viên, công chức, cán bộ... Buồn cũng nhậu, vui cũng nhậu, nhậu mọi lúc mọi nơi từ sáng, trưa, chiều, tối với đủ lý do nào là ngoại giao, hợp tác, ký hợp đồng, thể hiện bản lĩnh đẳng cấp.
>>Uống 4 tỷ lít bia mỗi năm: người Việt đang nhậu quá dễ dãi?
>> 'Người Việt bỏ tiền uống 4 tỷ lít bia nhưng ít ai khám sức khoẻ định kỳ'
Tửu lượng càng cao càng được cho là biết điều, biết chơi, chơi đẹp. Sao lại như vậy? Phải chăng thời buổi làm ăn phần lớn nhờ các mối quan hệ thân quen, ai cũng phải biết nhậu thì công việc mới suông sẻ? Không nhậu đâu có được. Nhất là vào các dịp lễ tết, đầu năm, cuối năm, tình trạng sử dụng rượu bia càng gia tăng.
Tôi nghĩ một khi chưa thể cấm rượu bia nhưng vẫn có thể kiểm soát, hạn chế. Bên cạnh cơ quan chức năng đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối tượng lái xe đã uống quá nhiều rượu bia, cần có giải pháp "gây khó" cho những ai muốn kinh doanh, mua bán, tiêu thụ, uống rượu bia.
Không phải chỗ nào cũng được phép kinh doanh, mua bán rượu bia như ở Thái Lan trong lần tôi đi du lịch ngồi lại với nhau trong đoàn có người muốn uống bia bản xứ cho biết nhưng để tới chỗ mua bia phải đi thêm 2km mà chỉ bán buổi chiều.
>> Đàn ông Việt ham nhậu nên đánh nhau nhiều?
Hãy đánh thuế mạnh vào rượu bia như Singapore, giá một lon bia ở thấp nhất cũng từ 5 đến 15 đôla, lúc đó người uống sẽ cân nhắc vì ngoài chuyện bị xử lý nếu lái xe thì khá tốn kém nếu thường nhậu nhẹt.
Hàng loạt quán nhậu lại vừa mọc lên trên các tuyến đường Ung Văn Khiêm, Phạm Văn Đồng (TP HCM). Nghĩ cũng lạ cho một đất nước, thanh niên hay bạn bè gặp nhau thường hỏi "Đi nhậu ở đâu ?" "Nhậu ở quán nào ?", "Làm vài ve chứ ?".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.