Tòa nhà trung tâm hành chính Đà Nẵng nằm ven sông Hàn, là nơi làm việc của 23 sở, ngành với khoảng 1.600 người. Theo một số công chức, do toà nhà bao bọc bằng kính nên phải bơm khí tươi vào, tuy nhiên hệ thống bơm khí không đủ khiến nhiều người cảm thấy thiếu oxy, mệt mỏi.
Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Đà Nẵng, cho biết ông từng phản đối việc thành phố chọn phương án kiến trúc tòa nhà như hiện nay. Vì trên thế giới công trình hành chính ít khi tổ chức theo khối tròn, quá tập trung người, không thoáng khí. Hơn nữa toà nhà quá cao nên việc liên hệ của người dân với cơ quan công quyền gặp khó khăn, người mới vào tìm thang máy rất khó.
Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy. Ảnh: Nguyễn Đông. |
"Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, chúng tôi đã khuyên hạn chế dùng nhà kính, thay vào đó là tường bao và cửa thông gió, nhưng không được lắng nghe. Anh em chuyên môn không ai khen cả", ông Huy nói.
KTS Nguyễn Trực Luyện, nguyên chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam, cũng cho biết Hội kiến trúc sư từng có ý kiến việc tòa nhà bọc kính quá kín sẽ gây hấp thụ nhiệt, thiếu không khí. Theo ông Luyện, phương án bơm khí oxy vào tòa nhà chỉ là giải pháp "chữa cháy". Về lâu dài, đơn vị quản lý tòa nhà cần xem xét tổng thể thiết kế để có biện pháp xử lý, nếu không thể sửa chữa được thì mới xây dựng tòa nhà khác, vì bỏ một công trình lớn như tòa nhà hành chính sẽ gây lãng phí ngân sách.
Trước các ý kiến băn khoăn vì sao toà nhà mới hoạt động hơn 2 năm đã tính đến chuyện di dời, ông Hoàng Quang Huy cho biết có thông tin một doanh nghiệp sẽ mua lại trung tâm hành chính Đà Nẵng để sử dụng cho mục đích khác. Công trình này vẫn tồn tại chứ không phải đập bỏ, nên không lãng phí, dù giá bán có thể thấp hơn đầu tư ban đầu.
"Không phải cái gì mình đầu tư lớn quá thì không bỏ được, ở đây là công năng sử dụng không phù hợp thì chuyển giao cho đơn vị khác", ông Huy nói và hiến kế nên chuyển UBND thành phố về trụ sở cũ tại số 42 Bạch Đằng, sẽ thuận lợi hơn trong việc giao tiếp với người dân. Cạnh đó, thành phố cũng có thể xây một tòa nhà tổ hợp ở khu đất trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh để chuyển công chức về đây làm việc
Ông Nguyễn Cửu Loan, Chánh văn phòng Hội quy hoạch và phát triển TP Đà Nẵng, cho rằng trung tâm hành chính hiện nay nhìn không uy nghi, giống trung tâm thương mại nhiều hơn. Ông Loan đồng quan điểm với ông Huy việc quy tụ công chức vào một toà nhà là sai sót, "nên rút kinh nghiệm để làm cái khác tốt hơn". Nếu xây dựng trung tâm hay khu hành chính mới, lãnh đạo thành phố cần lấy ý kiến công chức và người dân.
Không nên xây mới
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng nhiều tòa nhà trong và ngoài nước được thiết kế ốp kính, song sử dụng kính chịu nhiệt chất lượng tốt, hệ thống điều hòa làm mát, thông gió hoạt động theo đúng yêu cầu cần thiết, nên không có tình trạng như tòa nhà trung tâm hành chính Đà Nẵng.
"Đơn vị quản lý trung tâm hành chính Đà Nẵng cho biết chi phí tiền điện điều hòa tòa nhà này khoảng 1 tỷ mỗi tháng, có thể tiền điện cao quá, nên họ không chịu nổi, phải giảm sử dụng điều hòa. Nếu đúng như vậy thì đó là một trong các nguyên nhân khiến người làm việc thấy khó thở", ông Phạm Sỹ Liêm nói.
Trái ngược với ý kiến ủng hộ chuyển trung tâm hành chính Đà Nẵng, ông Liêm cho rằng cần sửa chữa các bất cập của tòa nhà thay vì xây dựng mới. "Nếu xây mới một tòa nhà khác thì mọi người sẽ thấy rằng chính quyền sử dụng tiền của dân dễ dãi quá, hơn nữa tòa nhà cũ với công năng hành chính khó trở thành khách sạn", ông Liêm nêu quan điểm.
PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, bất cập tại tòa nhà hành chính Đà Nẵng có thể xử lý được bằng thay thế các vật liệu và chỉnh sửa thiết kế kỹ thuật. Ví dụ kính ốp có thể thay thế bằng các loại kính chịu nhiệt tốt hơn, cải tạo thiết kế thông gió, điều hòa, bổ sung khí tươi... Phương án sửa chữa sẽ cần ít ngân sách hơn nhiều so với đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây tòa nhà khác.
Chi phí vận hành tòa nhà không được công bố
Theo một nguồn tin, khi Đà Nẵng chưa xây trung tâm hành chính tập trung, các sở ngành nằm tách biệt thì chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng mỗi cơ quan khoảng 500 triệu đồng/năm. Sau khi toà nhà trung tâm hành chính đi vào hoạt động, các sở ngành tập trung một chỗ, chi phí đội lên gấp nhiều lần.
Ông Nguyễn Cửu Loan nhận xét, dù số tiền chi ra cho việc vận hành tòa nhà khó ước đoán cụ thể, nhưng để đảm bảo cho hơn 20 sở ngành làm việc, đơn vị vận hành luôn phải đáp ứng các điều kiện để toà nhà hoạt động. "Vận hành toà nhà này chắc chắn sẽ tiêu tốn hơn việc các công sở nằm riêng lẻ. Ví dụ, trước đây vào nhà chỉ cần bật một, hai cái quạt cho mỗi phòng, bây giờ quá nóng, ngoài điều hoà bật cả ngày, người ta còn có thể phải bật thêm quạt, tốn rất nhiều điện năng", ông Loan nói.
Tại cuộc họp báo năm 2015, VnExpress đã đặt câu hỏi về chi phí vận hành tòa nhà trung tâm hành chính so với việc các sở ngành nằm riêng lẻ, tuy nhiên lãnh đạo thành phố từ chối trả lời vì cho rằng toà nhà mới đi vào hoạt động, chưa thể tính toán được.
Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng ngày 11/8, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, xác nhận thành phố có chủ trương di dời Trung tâm hành chính. "Để làm việc này phải chuẩn bị rất kỹ, phải qua nhiều khâu. Không thể nói là di dời Trung tâm hành chính ngay được", ông nói.
Chiều cùng ngày, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết trong quy hoạch, thành phố đã có dự trữ quỹ đất cho việc xây trung tâm hành chính mới.
"Cán bộ, công chức có ý kiến này kia về tòa nhà, chín người mười ý. Có người nói thuận lợi, có người nói làm trong đó bị nhức đầu, chúng tôi phải cho nghiên cứu kỹ, đo đạc lại rồi khắc phục. Tòa nhà còn mới, hiện chưa có ý kiến chính thức của Ủy ban về vấn đề này", ông Thơ nói.
Tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng khánh thành tháng 9/2014, được thiết kế theo biểu tượng ngọn hải đăng, cao 37 tầng, tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Địa chỉ tòa nhà tại số 24 Trần Phú, cạnh sông Hàn. |
Nguyễn Đông-Đoàn Loan