Ngày 8/6, đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết cơ quan quản lý sẽ lấy ý kiến về việc bỏ phần thi bikini tại các cuộc thi hoa hậu trong nước, thay bằng trang phục khác phù hợp hơn. Động thái này được đưa ra sau khi cơ quan chức năng theo dõi việc tổ chức thi hoa hậu trên thế giới và ở Việt Nam cũng như việc Hoa hậu Mỹ vừa bỏ phần thi bikini. Chủ đề bỏ thi bikini được công chúng và giới chuyên môn bàn tán sôi nổi.
Nhiều người đồng tình phương án bỏ thi bikini khỏi các cuộc thi nhan sắc trong nước. Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân nói để đánh giá ngoại hình của thí sinh trong cuộc thi nhan sắc có nhiều cách, không nhất thiết phải để họ xuất hiện với các loại áo tắm mỏng manh. Ngoài ra, việc đánh giá hình thể thực chất có các bác sĩ đo đạc từ trước.
"Tôi xuất thân là người mẫu nên việc tự tin thể hiện bản thân trước khán giả là điều đơn giản. Tuy vậy, không phải thí sinh nào trong cuộc thi cũng thấy thoải mái khi mặc bikini trên sân khấu. Ví dụ, ở cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010, Nhã Uyên và Na Uy - hai thí sinh đến từ Huế, vùng đất còn nặng tính truyền thống - phải vượt qua ngại ngần để diễn áo tắm. Ban tổ chức khi ấy phải thuyết phục hai cô và gia đình rất nhiều để họ tham gia phần thi", Ngọc Hân chia sẻ.
Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh chung quan điểm: "Với sự phát triển và thay đổi tư duy của xã hội hiện nay, vẻ đẹp ngoại hình theo tôi không còn quá được chú trọng. Khán giả mong muốn tìm ra những cô gái có vẻ đẹp tâm hồn, sự thông minh, tự tin, biết cách tỏa sáng". Hoa hậu Việt Nam 2016 cho rằng việc bỏ phần thi bikini sẽ loại bỏ được tư tưởng "body shaming" (hành động dùng khiếm khuyết cơ thể của một người để trêu chọc, chê bai họ).
Mỹ Linh từng ngại ngùng, bỡ ngỡ khi mặc bikini xuất trước hàng nghìn khán giả. "Không chỉ riêng tôi, những thí sinh ít kinh nghiệm trình diễn sẽ dễ có cùng cảm giác. Người hình thể đẹp thì không sao, còn ai lỡ khiếm khuyết về chiều cao, đùi to, chân cong... rất dễ tủi thân, xấu hổ khi trở thành đề tài thảo luận trên truyền thông và mạng xã hội. Các bạn chỉ là những cô gái mới 18, 20 tuổi", cô bày tỏ.
* Thí sinh Hoa hậu Hoàn vũ trình diễn áo tắm
Dù vậy, đa số khán giả cho rằng các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam cần có phần trình diễn áo tắm. Theo khảo sát của VnExpress (đến khoảng 14h ngày 7/6), hơn 1.800 trên gần 3.000 phiếu ủng hộ ý kiến này. Độc giả Hoàng Việt bình luận: "Nếu bỏ phần bikini, cuộc thi sẽ kém hấp dẫn. Đã là hoa hậu phải toàn diện, mặc kín từ đầu đến chân sao biết cơ thể đẹp hay xấu... Mỗi danh hiệu như nhà khoa học, bác sĩ giỏi, hoa hậu...có tiêu chí khác nhau mới là cuộc chơi hấp dẫn". Bình luận này nhận được hơn 550 lượt like.
Hoa hậu Thế giới người Việt 2007 Ngô Phương Lan cho biết: "Áo tắm là phần thi lâu đời tại các cuộc thi nhan sắc. Bikini không chỉ thể hiện được nét đẹp hình thể mà còn cả sự tự tin của thí sinh. Một hoa hậu cần hội tụ vẻ đẹp tổng thể của hình thể, trí tuệ và tâm hồn. Vì vậy, thí sinh phải thể hiện được bản lĩnh ở nhiều mặt".
Ông Lê Xuân Sơn - Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam - ủng hộ giữ lại phần thi này. Ông Sơn giải thích hiện tại, xã hội có cái nhìn cởi mở hơn với trang phục bikini. Bên cạnh đó, bikini là trang phục khá phổ biến trên thế giới. "Không tính đến các quốc gia có văn hóa, tôn giáo khắt khe, ở nhiều nơi, bikini là trang phục quen thuộc của mọi người ở bãi tắm, bể bơi, thậm chí ở công viên, bãi cỏ", ông nói. Ông Sơn cho biết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 vẫn sẽ giữ màn thi áo tắm.
Đồng tình với ông Lê Xuân Sơn, bà Phạm Kim Dung - Phó ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2018 - cho biết xét về mặt chuyên môn, các giám khảo vẫn có cách chấm điểm hình thể thí sinh bằng nhân trắc học. Tuy nhiên, điều này sẽ mất đi sự khách quan và dễ gây tranh cãi nếu khán giả không được đánh giá trực tiếp thí sinh qua phần thi bikini.
Bà Thúy Nga - tổng giám đốc công ty Elite, đơn vị từng đem nhiều bản quyền cuộc thi về Việt Nam - giải thích các cuộc thi nhan sắc trong nước phần lớn còn nghiệp dư ở khâu tổ chức. Năm 2009, bà Julia Morley - Chủ tịch cuộc thi Hoa hậu Thế giới - tuyên bố cuộc thi nhan sắc lớn nhất hành tinh bỏ phần thi bikini. "Họ tự tin làm điều này bởi chất lượng thí sinh tốt. Còn trình độ và đẳng cấp giữa cuộc thi nhan sắc của Việt Nam với các cường quốc khác còn thua xa. Điều chúng ta cần thay đổi là nâng cao chất lượng thí sinh. Nếu bỏ thi áo tắm, thí sinh sẽ thi cái gì trong khi phần ứng xử của các cuộc thi nhiều lúc còn bị chê là ngô nghê", bà Nga nói.
Nói về quan điểm chú trọng vào vẻ đẹp tâm hồn, tri thức của thí sinh, Hoa hậu Ngô Phương Lan cho rằng có nhiều cách hay hơn là bỏ đi phần thi bikini. Người đẹp gợi ý ban tổ chức có thể tạo ra những thử thách khác nhau cho thí sinh trong suốt lịch trình, chẳng hạn như thuyết trình, hùng biện theo chủ đề.
Ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng NTBD - khẳng định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các cuộc thi sắc đẹp đều xác định ưu tiên vẻ đẹp trí tuệ, văn hóa và nhân cách, sau đó mới đến hình thể. Tuy vậy, pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định hạn chế thi bikini. Tất cả phụ thuộc vào ban tổ chức cũng như tiêu chí, thể lệ từng cuộc thi. Cơ quan quản lý dự kiến trình dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn lên Chính phủ vào tháng 11.